Khắc phục những hạn chế của Cụm thi đua ngành giáo dục

02:10, 30/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là trao đổi của Phó chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nguyễn Đức Huân với phóng với Báo Quảng Ngãi về hoạt động của Khối, Cụm thi đua ngành GD&ĐT trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Đức Huân, năm học 2013-2014 là năm đầu tiên Sở GD&ĐT tỉnh triển khai việc phân chia Khối, Cụm thi đua trong toàn ngành, nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh. Việc phân chia các đơn vị giáo dục tham gia Khối, Cụm thi đua được sắp xếp trên nguyên tắc công khai, dân chủ, có sự tương đồng về chuyên môn, đặc điểm vùng miền. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, hoạt động Khối, Cụm thi đua của ngành bộc lộ một số khó khăn, hạn chế cần phải tập trung khắc phục.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về hoạt động của Khối, Cụm thi đua của ngành GD&ĐT trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Huân: Khối, Cụm thi đua ngành GD&ĐT hoạt động theo chế độ tập thể, các quyết định của đơn vị tham gia được thông qua trong các buổi họp, sinh hoạt trên nguyên tắc tập trung dân chủ, bình đẳng, tự nguyện, tự giác, công khai, hợp tác, trong đó nhấn mạnh các tiêu chí thi đua trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch năm học.

Đơn vị được phân công Khối, Cụm trưởng hằng năm thực hiện việc xây dựng kế hoạch hoạt động; tổ chức phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị trong Khối, Cụm; tổ chức sơ kết, tổng kết và những nội dung theo chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành. Trên cơ sở quy chế hoạt động Khối, Cụm thi đua, các đơn vị trong Khối, Cụm xây dựng thang bảng điểm đánh giá, nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị và nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên về công tác thi đua, khen thưởng; với nhiều biện pháp đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua và công tác khen thưởng.  

Trong 4 năm tổ chức hoạt động Khối, Cụm thi đua đã thúc đẩy phong trào thi đua chung của toàn ngành. Thông qua hoạt động Khối, Cụm thi đua cũng tạo điều kiện để các đơn vị được so sánh, đối chiếu, từ đó phát huy khả năng sáng tạo của đơn vị trong triển khai các phong trào thi đua. Nhận thức của cấp ủy, Ban giám hiệu và các đoàn thể trong nhà trường được nâng lên, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi đua, khen thưởng và đối với hoạt động của Khối, Cụm thi đua. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho công tác thi đua, khen thưởng của ngành giáo dục. Hoạt động Khối, Cụm thi đua là cơ sở để giúp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành giáo dục đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, một cách chính xác và công khai, công bằng, là cơ sở công nhận, đề nghị cấp trên tặng thưởng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông hoạt động của Khối, Cụm thi đua còn tồn tại những hạn chế, bất cập gì?

Ông Nguyễn Đức Huân: Việc điều chỉnh, bổ sung quy chế các Khối, Cụm hằng năm, gắn với cơ cấu điểm và thang điểm quy định cho các chỉ tiêu của đơn vị thường chỉ được thống nhất một cách tương đối giữa các đơn vị trong Khối, Cụm. Tiêu chí thi đua và cơ cấu điểm còn nhiều bất cập, một số tiêu chí định tính, chưa định lượng; nhiều nội dung khó kiểm tra, so sánh.

Việc đánh giá, chấm điểm chưa phản ánh đúng kết quả phong trào thi đua của từng đơn vị trong Khối, Cụm thi đua... Hơn nữa, việc vừa chấm điểm, vừa bỏ phiếu bình xét như hiện nay cũng chưa thật sự hợp lý. Việc đánh giá nhận xét, bình chọn còn mang tính chất cảm tính, chưa thực chất, nên danh hiệu thi đua đạt được chưa tương xứng. Chất lượng hoạt động của một số Khối, Cụm thi đua còn hình thức, chủ yếu tập trung sơ kết, tổng kết và tổ chức một số hoạt động giao lưu, văn nghệ, thể dục thể thao; chưa thật sự quan tâm tổ chức các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Việc trao đổi, giao lưu về các mô hình, điển hình còn hạn chế. Mục đích đề ra của thi đua là “đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển”, nhưng nhìn chung chưa thực hiện được ở các Khối, Cụm thi đua, mới chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác thi đua và bình xét khen thưởng.

PV: Vậy trong năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo, ngành GD&ĐT sẽ có những đổi mới gì nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Cụm, Khối thi đua ngành?

Ông Nguyễn Đức Huân: Để hoạt động của Khối, Cụm thi đua của ngành giáo dục ngày càng hiệu quả, đem lại tác dụng thiết thực trong hoạt động chuyên môn, gắn với các phong trào thi đua, công tác khen thưởng theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, ngành sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, phát hiện, biểu dương, tôn vinh và nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, điểm sáng, điểm nổi bật và nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt -Việc tốt”; thực hiện hiệu quả phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn ngành. Cần coi mô hình hoạt động Khối, Cụm thi đua như hiện nay là môi trường chung của những đơn vị trong ngành có tính tương đồng. Cụ thể hóa nội dung “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” cho phù hợp với đơn vị chuyên môn mỗi cấp học, bậc học, để thực hiện đánh giá hoạt động của các đơn vị trong Khối, Cụm thi đua thực chất hơn. Hướng dẫn thành lập các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” trong các tổ chuyên môn, trong nhà trường, cụm trường.

Hội đồng Thi đua- Khen thưởng ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng phong trào thi đua và công tác khen thưởng của các Khối, Cụm thi đua do đơn vị tổ chức. Theo dõi, đánh giá sát tình hình và chất lượng hoạt động, để làm căn cứ tổng hợp, đánh giá chung của Khối, Cụm thi đua.

TRỊNH PHƯƠNG
 (Thực hiện)
 


.