Thời tiết cực đoan ngày càng khó lường

02:09, 22/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhận định thời tiết thủy văn mùa mưa lũ năm 2017, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi Nhâm Xuân Sỹ cho biết: “Với sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu thì thời tiết cực đoan ngày càng khó lường. Do đó, bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), không khí lạnh, nắng nóng, mưa... sẽ diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn Quảng Ngãi”.

Theo ông Sỹ, từ đầu năm đến nay có 5 cơn bão là Mebok, Talas, Roke, Sonca, Haitang xuất hiện trên Biển Đông. Tuy nhiên, chưa có cơn nào gây ảnh hưởng nhiều đến thời tiết Quảng Ngãi. Đa số các trận bão đổ bộ vào đất liền Trung Quốc. Riêng cơn bão số 2 (Talas) đổ vào tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh và bão số 4 (Sonca) đổ bộ vào khu vực tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị của Việt Nam...

PV: Theo ông, tình hình mưa và thủy văn trên địa bàn Quảng Ngãi từ đầu năm đến nay có gì bất thường?

Ông Nhâm Xuân Sỹ: Lượng mưa trong nửa đầu năm 2017 ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Từ tháng 1 đến tháng 4.2017 xấp xỉ và cao so với TBNN. Tháng 5 đến tháng 6 có lượng mưa cao hơn TBNN ở vùng núi, thấp hơn TBNN ở vùng đồng bằng. Một số nơi như Giá Vực, Sơn Tây, Sơn Hà và Trà Bồng, Minh Long có lượng mưa tháng 200 - 350mm. Tháng 7 cao hơn TBNN khá nhiều, vùng núi phổ biến 200 - 400mm, vùng đồng bằng 100 - 250mm. Nhờ mưa dông liên tục các tháng mùa hè ở vùng núi đã bổ sung lượng nước dồi dào cho các hồ chứa và dòng chảy các sông trong tỉnh.

Về thủy văn, từ tháng 1 đến nay, mực nước trên các sông trong khu vực biến đổi chậm. Tuy nhiên đã xuất hiện một số đợt dao động với biên độ từ 0,8- 1,2m vào các ngày 22- 27.1, 16- 20.5, 25- 27.5 và 12-15.7. So với TBNN cùng kỳ mực nước trung bình tháng trên sông Trà Khúc ở mức cao hơn, trên sông Vệ thấp hơn khá nhiều. Đặc biệt trên sông Vệ tại trạm An Chỉ mực nước đã xuống 3,02m (lúc 7 giờ ngày 10.7.2017) thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc từ năm 1976 đến nay. So với TBNN cùng kỳ, lượng dòng chảy trung bình tháng trên sông Trà Khúc tại trạm Sơn Giang cao hơn khá nhiều, trên sông Vệ tại trạm An Chỉ thiếu hụt khoảng 40- 50%.

Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi đo mực nước tại trạm An Chỉ (Nghĩa Hành). Ảnh: PV
Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi đo mực nước tại trạm An Chỉ (Nghĩa Hành). Ảnh: PV


PV: Ông nhận định thế nào về xu thế khí tượng thủy văn trên địa bàn Quảng Ngãi từ nay đến cuối năm 2017?

Ông Nhâm Xuân Sỹ: Về tình hình thời tiết, tổng hợp các kết quả dự báo của các mô hình, ENSO (viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino - Dao động Nam) để chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía đông Thái Bình Dương với phía tây Thái Bình Dương - đông Ấn Độ Dương) hiện ở pha trung tính và có khả năng duy trì trạng thái trung gian đến cuối năm 2017.

Về bão và ATNĐ, trong năm 2017, khả năng có 13- 15 cơn bão, ATNĐ xuất hiện trên Biển Đông, ở mức cao hơn so với TBNN (là 12 cơn) về số lượng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến Quảng Ngãi khoảng 2- 4 cơn (TBNN là khoảng 3- 5 cơn). Bão, ATNĐ có thể ảnh hưởng nhiều, tập trung đến thời tiết Quảng Ngãi vào khoảng tháng 9- 11. Chúng ta cần đề phòng bão có đường đi phức tạp và cường độ mạnh.

Nhiệt độ trung bình các tháng còn lại năm 2017 ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN. Không khí lạnh có khả năng bắt đầu xuất hiện cuối tháng 10, đầu tháng 11, với tần suất và mức độ xấp xỉ so với TBNN. Tuy nhiên, từ tháng 12 không khí lạnh mới ảnh hưởng mạnh đến thời tiết Quảng Ngãi. Về mưa, mùa mưa lũ năm 2017 khả năng có từ 5- 7 đợt mưa lớn, tập trung chủ yếu trong tháng 10, đầu tháng 12 và kết thúc muộn vào nửa cuối tháng 12.

Về thủy văn, từ cuối tháng 7 đến tháng 8, dòng chảy trên các sông tiếp tục biến đổi chậm. Đặc biệt, trên sông Vệ tại trạm An Chỉ lượng dòng chảy vẫn còn thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ khoảng trên 30%. Mùa mưa lũ năm 2017, trên các sông khu vực tỉnh Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện từ 3- 5 đợt lũ. Lũ lớn tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11. Đỉnh lũ cao nhất năm ở mức báo động 2 đến báo động 3; có sông trên mức báo động 3 và thấp hơn đỉnh lũ năm 2016.

Với sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu thì thời tiết cực đoan sẽ ngày càng khó lường. Vì vậy, theo tôi, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần chủ động thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa bão lũ 2017 này.

THANH TOÀN
(thực hiện)


 


.