Không để người nghèo thiếu vốn

02:08, 18/08/2017
.

Ông Trần Duy Cường.
Ông Trần Duy Cường.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng loạt các chính sách ưu đãi dành cho người nghèo thông qua các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo và mới nhất là dành cho hộ mới thoát nghèo tiếp cận được nguồn vốn, có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Riêng đối với Quảng Ngãi, nguồn vốn này đã triển khai như thế nào, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Ngãi Trần Duy Cường.

PV: Quảng Ngãi có 6 huyện nghèo miền núi, làm thế nào để tất cả hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn chính sách?

Ông TRẦN DUY CƯỜNG: Với phương thức, mô hình hoạt động của Ngân hàng CSXH triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh, thông qua ủy thác hội, đoàn thể, thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận thôn, làng, vùng sâu, vùng xa và hải đảo... Theo đó, định kỳ hằng tháng Ngân hàng CSXH đặt lịch giao dịch tại xã để cho vay, thu nợ, thu lãi và thực hiện nhận tiền gửi tiết kiệm của các hộ dân...

Đồng thời, Ngân hàng CSXH triển khai, phổ biến các chương trình tín dụng ưu đãi, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi được thuận lợi, tạo điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bằng cách làm trên, đến nay hầu hết các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại 6 huyện nghèo của tỉnh đều được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Hiện tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH đạt 2.815 tỷ đồng, với trên 120.000 hộ vay.

PV: Những năm gần đây, mức cho vay dành cho hộ nghèo, hộ dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn đã tăng lên 50 triệu đồng/hộ, với lãi suất ưu đãi. Theo ông, việc nâng mức cho vay này đã đem lại hiệu quả như thế nào?

Ông TRẦN DUY CƯỜNG: Hộ nghèo muốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt thì phải cần đến nguồn vốn để đầu tư. Tuy nhiên, do mức vay trước đây còn thấp, nên hộ nghèo khó phát triển các mô hình phát triển kinh tế lớn, mà chỉ có thể đầu tư nhỏ lẻ, dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả.

Từ khi Chính phủ điều chỉnh mức cho vay tăng lên 50 triệu đồng/hộ, với mức lãi suất vay ưu đãi đã mở ra cơ hội mới cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi đem lại lợi nhuận cao hơn. Đây thật sự là một chính sách phù hợp trong điều kiện kinh tế hiện nay.

PV: Hiện nay, chương trình học sinh sinh viên (HSSV) giảm, vậy nguyên nhân do đâu? Và với việc điều chỉnh mức cho vay đối với HSSV  lên 1,5 triệu đồng/tháng có giúp dư nợ ở chương trình này tăng lên?

Ông TRẦN DUY CƯỜNG: Việc dư nợ đối với chương trình cho vay HSSV giảm nhiều là do các khoản vay trước đây đã đến hạn trả nợ. Đồng thời, đối tượng vay vốn HSSV thời gian qua rất thấp. Tuy nhiên, Ngân hàng CSXH đã linh hoạt trong việc điều chỉnh nguồn vốn cho vay HSSV sang cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo và một số chương trình khác theo thứ tự ưu tiên, không để vốn tồn đọng kéo dài, trong khi đó nhiều chương trình khác cần đến nguồn vốn, để đầu tư phát triển kinh tế.

Nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội mà hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.                                             Ảnh: PV
Nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội mà hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: PV


Mới đây, Ngân hàng CSXH đã điều chỉnh mức cho vay dành cho HSSV lên 1,5 triệu đồng/tháng thay cho 1,25 triệu đồng/tháng như trước đây đã tạo điều kiện hơn cho HSSV. Và hiện tại nguồn vốn này tại Ngân hàng CSXH không thiếu, nên có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người vay, nhất là năm học mới sắp bắt đầu. Tin rằng, việc điều chỉnh mức vay này sẽ đẩy mạnh dư nợ tín dụng đối với chương trình vay vốn HSSV trong thời gian đến.

PV: Để tiếp tục phát huy hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong thời gian đến, Ngân hàng CSXH đã có những giải pháp nào?

Ông TRẦN DUY CƯỜNG: Ngân hàng CSXH luôn bám sát mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế của địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các chính sách tín dụng ưu đãi; ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo còn cao, nhất là các huyện miền núi. Mặt khác, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã; đặc biệt chất lượng tín dụng, thường xuyên củng cố kiện toàn mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, làng. Qua đó, lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, để đầu tư nguồn vốn đạt hiệu quả.

Ngoài ra, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, xét chọn hộ vay đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chị thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách.


T.TOÀN – H.HOA
 (thực hiện)



 


.