Luật Trẻ em: Nhiều điểm mới bảo vệ quyền lợi của trẻ em

02:05, 29/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Trẻ em (thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước đây) đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.6.2017, với nhiều điểm mới. Phóng viên Báo Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Tiến Tân xung quanh vấn đề này.

Ông Đỗ Tiến Tân cho biết, Luật Trẻ em năm 2016 có 7 chương, 106 điều, tăng 46 điều so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.


PV: Xin ông cho biết những điểm mới của Luật Trẻ em 2016?

Ông Đỗ Tiến Tân: Luật Trẻ em 2016 có nhiều điểm mới có lợi cho trẻ em. Trước tiên, tăng số lượng chương, mục, điều, khoản, điểm và bổ sung thêm việc giải thích từ ngữ, bổ sung thêm các quyền của trẻ em, các hoạt động của Nhà nước, công dân đảm bảo một cách tốt nhất việc thực hiện quyền của trẻ em. Sự phát triển những nội dung này làm rõ hơn các quyền của trẻ em, nhất là sự tham gia của trẻ em đối với các vấn đề về trẻ em (chương V) và các nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, để trên cơ sở đó quy định chi tiết, cụ thể về chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các hành vi gây ảnh hưởng, tác động vi phạm quyền trẻ em.

Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Trẻ em là quy định cụ thể các yêu cầu bảo vệ trẻ em; các cấp độ bảo vệ trẻ em; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Có 3 cấp độ bảo vệ trẻ em, đó là phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Các biện pháp bảo vệ này được quy định một cách cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, để bảo đảm trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại.
 

Trong những năm qua, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được tỉnh ta triển khai toàn diện ở các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tỷ lệ huy động trẻ em vào học tại các cấp học đạt cao; 100% trẻ em thuộc gia đình nghèo, miền núi điều kiện khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ BHYT. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi giảm còn 8,1‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm 14,8% vào năm 2016... Tuy nhiên, trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn nhiều bất cập, vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ em lao động sớm, bị ngược đãi, xâm hại tình dục...

PV: Để Luật Trẻ em đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền lợi của trẻ em trên địa bàn tỉnh, cần có những hành động thiết thực nào, thưa ông?

Ông Đỗ Tiến Tân: Để thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em, cần tập trung vào các hành động thiết thực. Trong đó, tăng cường quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện Luật Trẻ em; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án và đẩy mạnh việc tổ chức những hoạt động thực hiện chính sách; xây dựng bộ chỉ tiêu về trẻ em, lồng ghép công tác trẻ em vào các chương trình, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tăng cường hơn nữa quản lý nhà nước về trẻ em.

Ngoài ra, cần tăng cường nguồn lực thực hiện đạt các mục tiêu vì trẻ em và củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác trẻ em. Bên cạnh đó, cũng cần có những nghiên cứu khoa học; mở rộng hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực xã hội hóa công tác trẻ em; đảm bảo sự an toàn và phát triển mọi mặt cho trẻ em, xem đây là trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội. Việc thực hiện trách nhiệm chính và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân, giữa các địa phương và cơ sở giáo dục trong phối hợp liên ngành bảo vệ trẻ em, đảm bảo thống nhất trong hỗ trợ trẻ em phát triển, hòa nhập cộng đồng một cách an toàn, lành mạnh, thân thiện đúng theo Luật Trẻ em vừa ban hành và Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền Trẻ em.  

PV: Xin cảm ơn ông!
          

VŨ YẾN
(thực hiện)




 


.