Người dân chủ động, chính quyền tích cực

08:04, 12/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm (GSGC), UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1/2017” trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 15.3 đến 15.4. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y xoay quanh vấn đề này.

-PV: Diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Từ ngày 7.2-15.3, toàn tỉnh đã xảy ra 8 ổ dịch cúm gia cầm ở các huyện Đức Phổ, Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi, khiến gần 26 nghìn con gia cầm bị chết, tiêu hủy. Đến thời điểm này, các ổ dịch đều đã qua 21 ngày và chưa phát sinh ổ dịch mới. Kết quả này là nhờ sự chủ động, tích cực của người dân và chính quyền các cấp trong việc phòng, chống dịch cúm. Đặc biệt, ngày 27.2, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo tạm ứng 1 triệu liều vắc xin phục vụ công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, các ổ dịch được tiêm phòng bao vây, khống chế, nên không xảy ra tình trạng lây lan và bùng phát ra diện rộng.

-PV: Xin ông cho biết việc triển khai thực hiện“Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1/2017” như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Không chỉ gây bệnh trên đàn gia cầm, các chủng vi rút cúm độc lực cao A/H5N6, A/H5N1, đặc biệt là A/H7N9 có khả năng lây sang người thông qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm. Vì vậy, thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường là biện pháp dễ làm, ít tốn kém, nhưng hiệu quả cao trong việc chủ động tiêu diệt cũng như giảm mật độ lưu hành của các loại mầm bệnh, vi rút cúm. Qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đàn vật nuôi, cũng như giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

 Tiêu độc, khử trùng môi trường là biện pháp dễ làm, ít tốn kém nhưng hiệu quả cao trong việc tiêu diệt, giảm mật độ lưu hành của các loại mầm bệnh, vi rút cúm.
Tiêu độc, khử trùng môi trường là biện pháp dễ làm, ít tốn kém nhưng hiệu quả cao trong việc tiêu diệt, giảm mật độ lưu hành của các loại mầm bệnh, vi rút cúm.


Để thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1/2017” kịp thời, UBND tỉnh đã có công văn tạm ứng 8.400 lít Iodine trong kế hoạch chống dịch bệnh năm 2017. Đến thời điểm này, công tác tiêu độc, khử trùng môi trường được các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Cùng với dịch cúm gia cầm, một số dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh... cũng đang có nguy cơ tái diễn. Vì vậy, Chi cục Thú y phân bổ 35.700 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu, bò và 27.500 liều vắc xin dịch tả heo đợt 1/2017 cho các huyện Sơn Tịnh, Đức Phổ và Lý Sơn.
            
-PV: Để công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng có hiệu quả thì các đơn vị liên quan cần triển khai thực hiện những công việc gì, thưa ông?


Ông Nguyễn Văn Thuận: Để công tác tiêu độc, khử trùng đạt hiệu quả cao, UBND các huyện, thành phố phải chỉ đạo UBND xã, trị trấn thành lập đội phun do thú y viên xã trực tiếp giám sát kỹ thuật và hướng dẫn thực hiện quy trình. Tuy nhiên, cần nắm vững cách pha  thuốc, tốc độ các bước phun hoặc liều lượng phun... Nếu không nắm được những kỹ năng này, hiệu quả của việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng sẽ hạn chế. Do đó trong quá trình triển khai thực hiện, Chi cục Thú y mong muốn chính quyền các địa phương chủ động, tăng cường phối hợp với ngành thú y để sớm hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt chuyên môn.

-PV: Xin cảm ơn ông!

Quy trình thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường gồm 3 bước. Bước 1, phải phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom chất thải tiêu hủy bằng cách chôn hoặc đốt. Bước 2, pha thuốc khử trùng đúng liều lượng hướng dẫn. Bước 3, quá trình phun thuốc khử trùng phải tập trung ở các khu vực vốn là nơi tập trung và phát tán mầm bệnh như: Chuồng trại chăn nuôi, cơ sở ấp trứng, nơi giết mổ hộ gia đình; khu vực buôn bán GSGC và sản phẩm động vật trong chợ; đặc biệt là các tụ điểm tập kết GSGC...

 


          MỸ HOA
(thực hiện)



 


.