Các trường chủ động rà soát, bố trí bàn ghế phù hợp với học sinh

03:04, 21/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu về tình trạng học sinh ngồi bàn, ghế chưa đúng chuẩn hiện nay.
Ông Đỗ Văn Phu

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu về tình trạng học sinh ngồi bàn, ghế chưa đúng chuẩn hiện nay.

Thời gian gần đây, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã có nhiều thông tin phản ánh xung quanh việc học sinh ngồi bàn, ghế chưa đúng chuẩn tại Trường Tiểu học Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), trong đó có nhiều em phải quỳ để viết bài. Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi Đỗ Văn Phu cho rằng, báo chí và dư luận xã hội phản ánh một bộ phận học sinh bậc mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh ngồi bàn ghế chưa phù hợp với sự phát triển về thể hình của các em là đúng.

Tuy nhiên, đây là cấp học thuộc sự quản lý của UBND các huyện, thành phố. Về trách nhiệm của ngành, trước mắt Sở GD&ĐT chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cũng như các trường chủ động trong việc rà soát, bố trí lại bàn ghế cho phù hợp với thể trạng của học sinh; không nên sắp xếp rập khuôn một kích cỡ bàn ghế ngay trong cùng một lớp học.

-PV:Thưa ông, hiện nay chuẩn bàn ghế trong trường học được quy định như thế nào?

Ông ĐỖ VĂN PHU: Trước đây, Bộ GD&ĐT cũng như Bộ Y tế đã có những quy định về chuẩn bàn, ghế trong trường học. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, thể trạng của học sinh cũng có nhiều thay đổi. Vì vậy, các quy định về chuẩn bàn, ghế trước đây dường như không còn phù hợp. Đến năm 2011, Bộ GD&ĐT cùng với Bộ KH&CN và Bộ Y tế đã khảo sát, bàn bạc và thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16.6.2011 về hướng dẫn tiêu chuẩn bàn, ghế học sinh trường tiểu học, trường THCS và THPT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: Kích thước, vật liệu, kết cấu, kiểu dáng, màu sắc và bố trí bàn ghế trong phòng học.

Các em học sinh thoải mái hơn khi được ngồi trên những bộ bàn, ghế mới, phù hợp với thể trạng. Ảnh: T.P
Các em học sinh thoải mái hơn khi được ngồi trên những bộ bàn, ghế mới, phù hợp với thể trạng. Ảnh: T.P


-PV: Ông có thể nói rõ hơn những quy định của Thông tư liên tịch số 26?

Ông ĐỖ VĂN PHU: Thông tư liên tịch số 26 quy định 6 mức chuẩn về bàn ghế trong trường học phù hợp với nhóm chiều cao cụ thể của học sinh cả ba cấp học; đồng thời quy định kích thước cơ bản của bàn ghế, như chiều cao, chiều sâu, chiều rộng của bàn ghế, hiệu số chiều cao bàn, ghế... Đặc biệt, thông tư nêu cụ thể, bàn, ghế được bố trí phù hợp với đa số học sinh.

Trong một lớp học có thể bố trí đồng thời nhiều cỡ số khác nhau. Khoảng cách từ mép sau của hàng bàn đầu đến bảng phải đảm bảo cho học sinh ngồi ở vị trí trong cùng và vị trí ngoài cùng của hàng đầu bàn góc nhìn đến tâm bảng không nhỏ hơn 30 độ và góc quay đầu tối đa không lớn hơn 60 độ. Tuy nhiên, thông tư này cũng mang tính tương đối. Vì vậy, các trường cần phải linh động trong quá trình bố trí bàn, ghế trong lớp học. Bởi mỗi học sinh có thể trạng khác nhau và thay đổi qua từng năm. Giáo viên trực tiếp đứng lớp mới nhìn thấy rõ nhất về từng học sinh của mình trên cơ sở đó kiến nghị với Ban giám hiệu, để tổng hợp báo cáo Phòng GD&ĐT để có cơ sở đầu tư bàn ghế định kỳ hằng năm, nhằm tạo sự thoải mái cho học sinh ngồi học. Có như thế, mới góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

-PV: Sau sự việc học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Điền ngồi bàn không đúng chuẩn, ngành giáo dục có hướng xử lý như thế nào?

Ông ĐỖ VĂN PHU: Sau khi có thông tin học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Điền ngồi bàn không đúng chuẩn, Sở đã cử cán bộ của Phòng Giáo dục tiểu học phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa làm việc với nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện thay ngay số bàn ghế cho học sinh lớp 5 của trường. Hiện nay, theo tính toán, nếu mỗi bộ bàn, ghế có hạn sử dụng 10 năm thì mỗi năm phải thay mới gần 100 nghìn bộ bàn, ghế. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh vẫn còn khó khăn, trong khi đó ở bậc tiểu học không được thu học phí, nên việc đầu tư theo nhu cầu trên là khó. Hơn nữa, tỉnh ta không chủ chủ trương xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất, nên rất khó khăn cho ngành giáo dục.

Sau sự việc trên, Sở GD&ĐT đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát lại cơ sở vật chất, trong đó có bàn, ghế ở tất cả các lớp học trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương, ngành GD&ĐT rà soát tất cả bàn, ghế học sinh các cấp trên toàn tỉnh để báo cáo, đề xuất cho UBND tỉnh.

Riêng Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức họp báo ngành và chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động trong việc điều phối bàn, ghế phù hợp với thể trạng của từng học sinh trong lớp. Đồng thời, chú trọng đến việc chỉnh tư thế ngồi theo đúng quy định, tránh để các em bị vẹo cột sống. Chính quyền các cấp chỉ đạo và phối hợp với ngành giao dục chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị hằng năm, trong đó việc mua sắm bàn ghế với nhiều kích cỡ khác nhau, linh động trong quá trình bố trí sử dụng để phù hợp với thể trạng của học sinh.

TRỊNH PHƯƠNG
(thực hiện)

 


.