Xuất khẩu lao động năm 2017: Sẽ chú trọng vào khâu chất lượng

04:02, 16/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, toàn tỉnh có trên 1.600 lao động ra nước ngoài làm việc, đạt và vượt chỉ tiêu giao. Tuy nhiên, thách thức của công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện nay không còn là số lượng mà là ở khâu chất lượng. Đây cũng là vấn đề mà Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cao Đình Hòa trao đổi với PV. Báo Quảng Ngãi.

-PV: Xin ông cho biết mục tiêu XKLĐ cũng như thị trường lao động trọng điểm của tỉnh ta trong năm 2017 như thế nào?

Ông Cao Đình Hòa: Trong những năm qua, công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; chủ yếu làm việc ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Lào, Campuchia, UAE và các nước Trung Đông... Nhờ đó đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững ở nhiều địa phương. Nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước đã áp dụng tác phong lao động công nghiệp, kỹ năng nghề và số vốn tích lũy để tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác XKLĐ vẫn còn những hạn chế nhất định. Số lao động tham gia làm việc ở những thị trường có thu nhập cao chưa nhiều (chỉ hơn 35%), phần lớn lao động tham gia các thị trường dễ tính có thu nhập ở mức trung bình. Vì vậy, mục tiêu của Quảng Ngãi trong năm 2017 là tập trung đẩy mạnh công tác XKLĐ ở những thị trường có thu nhập cao, trọng điểm là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan...

-PV: Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến những thị trường chất lượng cao trong năm 2017, tỉnh cần có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Cao Đình Hòa: Để đẩy mạnh công tác XKLĐ tập trung vào những thị trường thu nhập cao, trước hết là phải nâng cao chất lượng nguồn lao động. Trong đó, tổ chức sơ tuyển và tuyển chọn ứng viên theo đúng quy trình, đảm bảo đạt yêu cầu của đối tác đặt ra, đây là khâu then chốt nhất để chọn được ứng viên phù hợp. Đồng thời xác minh nhân thân, phẩm chất đạo đức, tiền án tiền sự của lao động trước khi hoàn thiện thủ tục hồ sơ, loại những trường hợp không đáp ứng yêu cầu.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và phối hợp quản lý, tăng cường đào tạo ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định của mỗi nước mà lao động đăng ký tham gia đã vượt qua vòng sơ tuyển; bổ túc nghề cho lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác trước khi dự tuyển. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết; giáo dục định hướng, kỹ năng trả lời phỏng vấn, cách làm bài thi... để tham gia dự tuyển đạt kết quả cao.

Trang bị kiến thức về phong tục tập quán và văn hóa của nước sở tại mà lao động đăng ký tham gia để họ hiểu biết, dễ hòa nhập ngay khi sang nước bạn làm việc. Rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp để nâng cao nhận thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Tiếp tục mở rộng quan hệ phối hợp với nhiều doanh nghiệp đủ năng lực, uy tín, có nhiều đơn đặt hàng tuyển dụng của đối tác nước ngoài với quy mô tuyển dụng lớn để đưa được nhiều lao động của tỉnh đi làm việc ở các thị trường lao động chất lượng cao.

-PV: Một vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại nước ngoài. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Ông Cao Đình Hòa: Để làm tốt công tác này cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền vận động. UBND các huyện, thành phố cần tăng cường chỉ đạo các phòng, ban, hội đoàn thể của địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thanh niên tham gia XKLĐ.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin truyền thông, tổ chức tư vấn trực tiếp và cung cấp đầy đủ các thông tin về thị trường XKLĐ đến với người lao động để họ lựa chọn thị trường phù hợp với khả năng của mình. Tăng cường giáo dục pháp luật để người lao động hiểu rõ những quyền lợi của mình khi tham gia lao động ở nước ngoài.

Phối hợp trao đổi thường xuyên thông tin với Cục Quản lý lao động nước ngoài. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên là Sở LĐ-TB&XH (Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh), đơn vị tuyển dụng lao động và gia đình để theo dõi quản lý lao động ngay từ khi bắt đầu đào tạo đến khi xuất cảnh và trong suốt quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, để kiểm soát và xử lý kịp thời những phát sinh có thể xảy ra.

-PV: Xin cảm ơn ông!

VŨ YẾN
 


.