Ngành LĐ-TB&XH: Tập trung giải quyết nhiệm vụ trọng tâm

10:02, 28/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho biết, khối lượng công việc đặt ra đối với ngành LĐ-TB&XH trong năm 2017 và những năm tiếp theo là rất lớn, đòi hỏi cán bộ, công chức phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong giải quyết công việc được giao.

Ông Lương Kim Sơn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 mà ngành LĐ-TB&XH phải tập trung thực hiện đạt hiệu quả cao, đó là tổ chức các hoạt động chăm lo cho đối tượng chính sách nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2017). Toàn tỉnh có 37.000 liệt sĩ và 24.000 thương binh, hơn 6.200 Mẹ VNAH, trong đó có 479 mẹ còn sống. Toàn bộ hoạt động liên quan đến công tác đền ơn đáp nghĩa, gắn với kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ phải được đẩy lên mức độ cao hơn, nhiều hoạt động thiết thực hơn. Trước mắt, UBND tỉnh cho tạm ứng kinh phí 20 tỷ đồng, từ nay đến ngày 27.7 triển khai xây dựng và khánh thành 500 nhà ở cho người có công. Công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công phải được phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố để đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiến độ, đối tượng có nhiều khó khăn cần phải được ưu tiên trước.

-PV: Đâu là vấn đề còn tồn tại mà ngành cần phải tập trung giải quyết trong năm 2017, thưa ông?

Ông Lương Kim Sơn: Theo chủ trương chung của Chính phủ và của tỉnh, năm 2017 là năm kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp. Đối với ngành LĐ-TB&XH cũng tham gia tiêu chí để đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đó là hỗ trợ doanh nghiệp ở lĩnh vực mà ngành quản lý như: An toàn vệ sinh lao động, tiền lương, tiền công, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc giữa người lao động và doanh nghiệp. Trong năm 2017, ngoài việc tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, ngành tập trung giải quyết những vấn đề ách tắc, tồn tại của năm 2016, đó là còn nhiều doanh nghiệp nợ BHXH; việc triển khai thực hiện  Luật Vệ sinh an toàn lao động chưa đi vào thực chất, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng tốt yêu cầu đảm bảo an toàn lao động cho công nhân. Bên cạnh đó, giải quyết hồ sơ chính sách cho người có công cũng là vấn đề mà ngành trăn trở và tập trung giải quyết.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư là một trong những giải pháp để giải quyết việc làm cho nhiều người lao động ở địa phương.  (ảnh minh hoa).
Đẩy mạnh thu hút đầu tư là một trong những giải pháp để giải quyết việc làm cho nhiều người lao động ở địa phương. (ảnh minh hoa).


-PV: Xin ông cho biết định hướng đối với công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững?  

Ông Lương Kim Sơn: Giải quyết việc làm là lĩnh vực hiện nay chúng tôi hết sức trăn trở. Trong toàn bộ hệ thống xã hội giải quyết được nhiều việc làm sẽ nâng mức thu nhập của người dân, theo đó công tác an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng được nâng lên. Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là thu hút đầu tư của tỉnh phải đẩy lên một mức cao hơn, phải tận dụng mọi cơ hội, phát huy các chính sách đã ban hành để thu hút đầu tư, từ đó giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, cần phải tăng cường xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, một trăn trở hiện nay là trình độ ngoại ngữ của người lao động ở tỉnh ta còn hạn chế, tác phong lao động thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của những thị trường lao động khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đối với vấn đề giảm nghèo, không phải bây giờ chúng ta mới làm mà triển khai thực hiện từ rất lâu, nhưng cái gốc của vấn đề ở đây là phải nâng mức thu nhập cũng như nâng trình độ tổ chức, sản xuất của người nghèo. Chúng ta chỉ hỗ trợ nâng mức thu nhập, còn nhận thức và phương thức tổ chức sản xuất để từng hộ nghèo tự vươn lên thì còn hạn chế, mặc dù tuyên truyền cũng đã nhiều, chương trình hỗ trợ cũng triển khai nhiều. Sắp tới, cần tiếp tục triển khai những mô hình mới, tuy nhiên cũng phải xác định không thể trong một thời gian ngắn là có thể giải quyết được vấn đề này.  

 

PHƯƠNG LÝ
(thực hiện)

 


.