Tăng cường vai trò của cơ quan chuyên môn và chính quyền trong bảo vệ môi trường

09:01, 02/01/2017
.

Ông Nguyễn Quốc Tân.
Ông Nguyễn Quốc Tân.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước một số sự cố môi trường tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của nhân dân, ngày 31.8.2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quốc Tân cho biết một số kết quả thời gian qua và những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của Quảng Ngãi trong bảo vệ môi trường thời gian đến.

Ông Nguyễn Quốc Tân cho biết, thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các KKT, KCN, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu BVMT; chú trọng BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản; nâng cao hiệu lực, hiệu quả Nhà nước về BVMT; điều tra thống kê phân loại và lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại 6 kho thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Quảng Ngãi...

-P.V: Cụ thể  việc thực hiện những chỉ đạo nêu trên của UBND tỉnh như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Tân: Các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT; tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, quản lý về BVMT; mở các chuyên mục về BVMT.

Về quản lý Nhà nước, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020. Đặc biệt, thực hiện "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng", Quảng Ngãi đã xác định có 7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, đã có 3/7 đơn vị đã lập hồ sơ hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm và Sở TN&MT đã ban hành quyết định chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm; 1đơn vị đã dừng hoạt động từ năm 2005. Đối với 3 đơn vị còn lại, UBND tỉnh đang đề nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để xử lý dứt điểm.

Tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại 6 kho thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Quảng Ngãi. UBND tỉnh giao cho Sở TN&MT tiến hành xử lý ô nhiễm tại kho thuốc Hòa Vinh, dự kiến cuối tháng 12.2016 sẽ hoàn thành việc xử lý.

-P.V: Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ triển khai chậm so với tiến độ, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tân: Quảng Ngãi hiện có KKT Dung Quất, 4 KCN, 11 cụm công nghiệp và 22 làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có KCN Quảng Phú và KCN VSIP là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do vậy, các cơ sơ sản xuất trong các KCN, CCN, làng nghề còn lại tự đầu tư hệ thống để xử lý nước trước khi xả thải ra môi trường.

Nguyên nhân, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chậm là do kinh phí của tỉnh hạn chế, nên chưa bố trí được  nguồn để đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các KCN, CCN, làng nghề.

-P.V: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg, việc triển khai thực hiện của Quảng Ngãi như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Tân: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22.9.2016 UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ thị này. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo đó, trong thời gian tới toàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020; đề án bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020; triển khai thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.

Các ngành chức năng sẽ nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; tổ chức rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình, biện pháp BVMT của các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn có nguy cơ cao, tác động đến môi trường để có điều chỉnh kịp thời, hoàn thành trong năm 2017.

Từng bước đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN, làng nghề; ưu tiên các khu, cụm công nghiệp có lượng nước thải lớn và mức độ ô nhiễm cao; đồng thời rà soát các đối tượng có quy mô xả lớn để yêu cầu lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật.

Xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống quan trắc chất thải tự động liên tục giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng 2025 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp; tăng cường công tác hậu kiểm sau phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà đầu tư vi phạm về công tác bảo vệ môi trường; đồng thời tiến hành xử lý 6 kho thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường...

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng.                                                                                     ẢNH: PV
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng. ẢNH: PV


-P.V: Theo ông, để thực hiện tốt công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần tháo gỡ  vướng mắc và thực hiện các chính sách gì?

Ông Nguyễn Quốc Tân: Tôi nghĩ, trước tiên Trung ương cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực BVMT, nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo hướng thống nhất, công bằng, hiện đại; khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ trách nhiệm và thiếu khả thi. Bộ TN&MT nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý môi trường triển khai về các địa phương, nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý, kết nối số liệu và tiết kiệm về kinh phí.

Đối với các sở, ban ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, cần thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; nhất là Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.  Bên cạnh đó, cần tăng cường và chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm theo quy định quản lý môi trường của ngành, lĩnh vực quản lý.

Đối với Ban Quản lý KKT, KCN, CCN... cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án. UBND các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường kinh phí, năng lực quản lý môi trường cho cấp huyện, xã...


THANH TOÀN (thực hiện)



 


.