Tỉnh muốn doanh nghiệp lớn mạnh

08:12, 26/12/2016
.

Đồng chí Phạm Trường Thọ.
Đồng chí Phạm Trường Thọ.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ xoay quanh việc UBND tỉnh tổ chức chương trình cà phê doanh nhân hằng tháng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tỉnh.

Đồng chí Phạm Trường Thọ cho biết, UBND tỉnh tổ chức cà phê doanh nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được trao đổi, chia sẻ, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh về các vấn đề họ quan tâm cần được tỉnh tháo gỡ. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng giúp tỉnh hiểu hơn về đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

- PV: Cà phê doanh nhân là kênh thông tin quan trọng để doanh nghiệp và tỉnh hiểu nhau hơn. Vậy qua hai lần tổ chức, UBND tỉnh đã rút ra được những vấn đề gì?

Đồng chí Phạm Trường Thọ: UBND tỉnh luôn xác định, đội ngũ doanh nghiệp phát triển mạnh thì kinh tế mới khởi sắc, thế nên tỉnh liên tục tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, tăng cường làm việc với doanh nghiệp để nắm tình hình sản xuất kinh doanh của họ. Và năm nay, tỉnh muốn “làm mới” bằng cách tổ chức cà phê doanh nhân. Qua hai lần tổ chức, UBND tỉnh nhận thấy đội ngũ doanh nghiệp rất ủng hộ, cách gặp gỡ và trao đổi thoải mái như vậy đã tạo sự gần gũi giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trao đổi với nhau liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh và là “cầu nối” để doanh nghiệp liên kết sản xuất, kinh doanh tạo ra thế mạnh trong quá trình cạnh tranh lành mạnh với doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp ngoài tỉnh. Hiện nay xu thế liên kết là vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm, bởi có liên kết mới tạo được sức mạnh. UBND tỉnh tin rằng, những buổi gặp gỡ như thế không chỉ những kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết, mà bản thân các doanh nghiệp cũng tìm được tiếng nói chung trong liên kết với đối tác.

Qua hai lần tổ chức, những đề đạt của doanh nghiệp đã được tỉnh tập trung chỉ đạo các Sở, ngành giải quyết kịp thời tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Cà phê doanh nhân đã xóa đi khoảng cách giữa doanh nghiệp và chính quyền, tạo sự gần gũi, thân thiện. Dù chỉ qua hai lần tổ chức, nhưng những gì doanh nghiệp cần đã được UBND tỉnh ghi nhận và giải quyết một cách cụ thể. Trong đó, nổi lên những vấn đề lớn liên quan đến thủ tục về đất đai, thuế và cơ bản UBND tỉnh đã tập trung giải quyết một cách thấu đáo. Tuy nhiên, do mới thực hiện nên vẫn còn nhiều vấn đề chưa thực hiện tốt được.

- PV: Như đồng chí nói đến giờ vẫn còn nhiều cái chưa được. Vậy điều đó là gì?

Đồng chí Phạm Trường Thọ: Qua hai lần tổ chức kinh nghiệm vẫn chưa có nhiều, nên đôi khi có những vấn đề chỉ mới dừng lại ở mức ghi nhận, do đó để tăng tính hiệu quả, tạo sự tương tác lớn, thời gian tới tỉnh sẽ chia theo từng nhóm tổ chức gặp gỡ, cà phê riêng để dễ lắng nghe. Theo đó, sẽ phân ra làm ba nhóm gồm: Các doanh nghiệp có doanh thu từ 500 tỷ đồng trở lên; nhóm có doanh thu từ 100 tỷ trở lên và nhóm có doanh thu dưới 100 tỷ đồng.

Việc chia nhóm sẽ tiếp cận vấn đề dễ hơn, bởi doanh nghiệp lớn có những yêu cầu chính sách, đãi ngộ đầu tư lớn hơn. Và doanh nghiệp lớn khi phát triển sẽ kéo doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thông qua liên kết sản xuất. Đồng thời, tiếng nói của họ với chính quyền tập trung hơn do ý đồ, chiến lược kinh doanh của họ khác với doanh nghiệp nhỏ và tính chất tác động đến chính sách phát triển của tỉnh cũng lớn hơn. Đối với doanh nghiệp nhỏ họ cũng có những tâm tư riêng, không thể giống như doanh nghiệp lớn được mà những kiến nghị, phản ánh của họ cần những việc phải làm ngay. Thế nên phải tách ra từng nhóm như vậy thì việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp mới đi vào trọng tâm.

- PV: Nhiều doanh nghiệp cho rằng, phản ánh của họ ở bàn cà phê mới chỉ “giải quyết được phần ngọn”. Theo đồng chí làm sao để cà phê doanh nhân hiệu quả hơn?

Đồng chí Phạm Trường Thọ: Cà phê doanh nhân là kênh thông tin hữu ích giúp doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước gặp gỡ trao đổi thẳng thắn, chân thành tạo điều kiện cho cả hai bên (chính quyền và doanh nghiệp - PV) hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, có những kiến nghị, thắc mắc chưa thể giải quyết được là do chúng ta còn nhiều thiếu sót trong quá trình tổ chức, do kinh nghiệm chưa nhiều.

Ngoài phân theo nhóm có quy mô về doanh thu thì tới đây, tỉnh sẽ tổ chức cà phê doanh nhân theo loại hình kinh doanh. UBND tỉnh luôn khẳng định việc tổ chức cà phê doanh nghiệp là muốn hiểu doanh nghiệp, muốn đội ngũ doanh nghiệp Quảng Ngãi phát triển vững mạnh chứ không phải tổ chức để làm màu. Để các kiến nghị của doanh nghiệp không bị bỏ sót, UBND tỉnh đã giao cho Sở KH&ĐT làm đầu mối tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để tập trung giải quyết cụ thể hơn. Tôi tin đây sẽ là niềm tin để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành trong công cuộc đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp.

- PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 

LÊ ĐỨC (thực hiện)



 


.