Ông Trần Ngọc Nguyên- Tổng Giám đốc BSR:
Sản phẩm của BSR đã có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu

02:09, 28/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 3.9.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1725/QĐ-TTg về việc đồng ý chấp thuận cho Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được hoạt động theo cơ chế tự chủ kể từ ngày 1.1.2017. Với cơ chế này, hàng hóa của BSR đã có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu.

Đây là thời cơ thuận lợi để BSR tăng tốc phát triển.  Để giúp bạn đọc hiểu hơn về cơ chế tự chủ của BSR, ông Trần Ngọc Nguyên- Tổng Giám đốc BSR đã dành cho báo Quảng Ngãi điện tử cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

 
PV:  Thời gian qua, khó khăn và thách thức lớn nhất của BSR đó là chính sách về thuế. Sản phẩm của BSR gặp khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN và Hàn Quốc. Vậy, ông có thể nói rõ về vấn đề này?
 
Ông Trần Ngọc Nguyên:  Đúng vậy, thời gian qua, khó khăn thách thức đối với BSR, đó là sự bất công bằng về thuế suất thuế nhập khẩu giữa hàng bán của BSR với hàng nhập khẩu từ ASEAN và Hàn Quốc. BSR và PVN đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc cần phải thay đổi chính sách thuế cho sản phẩm bán ra của BSR nhằm tiêu thụ được hàng hóa và cạnh tranh bình đẳng được với các sản phẩm xăng dầu từ ASEAN, Hàn Quốc.
 
Ông Trần Ngọc Nguyên
Ông Trần Ngọc Nguyên- Tổng Giám đốc BSR.
 
Thực tế là từ đầu năm 2016 đến nay, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm xuống còn 10%, các loại dầu diesel từ khu vực ASEAN về 0% trong khi mức thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng, dầu Dung Quất vẫn là 20% và 7%. Vì vậy, sản phẩm xăng dầu của Dung Quất làm ra có giá bán cao hơn nên các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro, Petimex… đều giảm mua và tăng cường nhập khẩu để hưởng lợi thế chênh lệch về thuế nhập khẩu. 
 
Đã có thời điểm Bình Sơn phải mang đi gửi kho sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất và tổng lượng xăng tồn kho lên tới 130% tổng sức chứa của kho nhà máy, mặc dù BSR đã phải áp dụng nhiều chính sách bán hàng như giảm giá, giãn thời hạn thanh toán cho khách hàng.
 
PV: Ngày 3.9.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1725/QĐ-TTg sửa đổi một số điều của Quyết định 952/QĐ-TTg ngày 26.7.2012 về cơ chế tài chính cho Công ty BSR. Với cơ chế mới này thì BSR sẽ có những thuận lợi gì, thưa ông?
 
Ông Trần Ngọc Nguyên: Với Quyết định mới của Chính phủ đây sẽ là cơ hội rất lớn cho BSR hoạt động kinh doanh một cách bình đẳng, sản phẩm của BSR đã có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu... Theo đó, Chính phủ sẽ bãi bỏ thu điều tiết đối với các sản phẩm dầu, LPG, sản phẩm hoá dầu tiêu dùng trong nước (hiện đang ở mức 13% đối với xăng). 
 
Cùng đó, cũng bãi bỏ các mức giá trị ưu đãi (hiện được cộng 3-7% thuế nhập khẩu vào giá bán). Quyết định cũng đáp ứng đúng đề xuất mà Công ty BSR đưa ra nhiều lần, đó là giảm thuế nhập khẩu dầu diesel và nguyên liệu bay Jet A1 từ 10% hiện tại về 0% - là ngang bằng với thuế suất – thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu hiện nay.
 
Với quyết định này, BSR sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động cạnh tranh trên thị trường. Với quyết định này, BSR sẽ chủ động cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, BSR mới sản xuất đáp ứng được 40% nhu cầu, còn 60% nhu cầu xăng dầu vẫn phải nhập khẩu. Vì vậy việc đưa giá xăng dầu cạnh tranh với hàng ngoại nhập là điều kiện rất tốt để các nhà nhập khẩu mua hàng của BSR trong thời gian tới.
 
Hiện nay, BSR đang có lợi thế cạnh tranh khi bán hàng cho các doanh nghiệp trong nước do: Thứ nhất, vận chuyển và bảo hiểm, vì khi mua hàng trong nước thì vận chuyển ngắn hơn do đó chi phí vận chuyển và bảo hiểm sẽ rẻ hơn.

 

Từ 1.1.2017, BSR sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ
Từ 1.1.2017, BSR sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động cạnh tranh trên thị trường
 
Thứ hai, đồng tiền thanh toán là đồng tiền Việt, khi mua hàng từ nhà máy lọc dầu  thì các khách hàng trả tiền Việt, còn khi nhập khẩu thì phải trả đồng USD, do đó doanh nghiệp nhập khẩu bị ảnh hưởng khi tỷ giá đồng USD tăng.
 
Thứ ba, thời gian đóng thuế, nếu doanh nghiệp mua trong nước thì mua xong 30 ngày sau mới phải nộp thuế nhập khẩu, còn khi mua hàng nhập khẩu thì phải đóng thuế nhập khẩu xong mới được nhập hàng;
 
Thứ tư, giảm giá hàng tồn kho, nếu mua tại trong nước thì mình được giao ngay, thời gian nhanh hơn, còn nhập khẩu thì thời gian vận chuyển về lâu do đó khi giá giảm  thì toàn bộ lô hàng bị ảnh hưởng.
 
Khi BSR bán được nhiều thì nhà máy lọc dầu vận hành ở công suất tối ưu và an toàn với 110% công suất. Năm 2016 kế hoạch nộp ngân sách 16.000 tỷ đồng, khi công suất tăng thêm 10% thì nộp ngân sách cũng sẽ tăng lên thêm được 10%, tương ứng với phần tăng thêm của công suất (tương đương 1.600 tỷ đồng).
 
Phần tăng thêm đó chính là khi chúng ta cạnh tranh bán hàng tốt thì công ty sẽ chạy ở công suất tối ưu nhưng vẫn đảm bảo an toàn và đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao cho cả doanh nghiệp - nhà nước và xã hội.
 
Việc được hoạt động theo cơ chế tự chủ cũng là cơ hội để BSR minh bạch hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo tiền đề trong việc thu hút vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi mà BSR sẽ lên IPO vào cuối năm 2017 theo lộ trình Chính phủ đặt ra.
 
PV: Vậy phải chăng BSR đợi cơ chế mới hoạt động hiệu quả? 
 
Ông Trần Ngọc Nguyên: Quan điểm của BSR luôn chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không trông chờ ỷ lại hay chờ cơ chế. Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR thời gian qua đã khẳng định điều đó. Tính đến nay, Nhà máy đã nộp NSNN khoảng 130.000 tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD. Như vậy, NMLD Dung Quất đã mang lại hiệu quả kinh tế ròng cho Nhà nước 3 tỷ USD.
 
Mới đây, ngày 26.9, BSR là đã nhập thành công chuyến dầu thô thứ 600, với tổng trọng tải khoảng 46 triệu tấn. Việc nhập thành công 600 chuyến dầu thô giúp NMLD Dung Quất hoạt động liên tục, an toàn, ổn định ở 105% công suất.
 
Qua 8 tháng đầu năm 2016, BSR đạt sản lượng sản xuất 4,57 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, vượt 17% KH 8 tháng và đạt 78% KH năm; doanh thu thuần 40,03 nghìn tỷ đồng, đạt 84% KH 8 tháng và đạt 56% KH năm; nộp NSNN 6,90 nghìn tỷ đồng. 
 
Để có được kết quả trên, BSR luôn nâng cao được năng lực cạnh tranh bằng cách thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Từ năm 2009 đến nay, BSR đã thực hiện 121 đề tài nghiên cứu khoa học với tổng số tiền tiết kiệm đem lại trên 5 ngàn tỷ đồng. Công ty áp dụng các giải pháp tiết kiệm, áp dụng các khoa học tiên tiến vào trong sản suất và chúng tôi làm hết sức quyết liệt. 
 
Năm 2015, tổng số tiền tiết kiệm là trên 500 tỷ đồng, năm 2016 kế hoạch cũng sẽ tiết kiệm 500 tỷ đồng. Đặc biệt, đến hết năm 2016, BSR cũng hoàn thành chuyển đổi ISO 9001 và 14001 sang phiên bản 2015. Hiện nay, BSR tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị, hiện tổ chức Marsh Risk Consulting Singapore đang xây dựng cho BSR hệ thống quản trị rủi ro. 
 
Hiện NMLD Dung Quất sản xuất 10 sản phẩm xăng dầu, LPG, Polypropylene... các loại. Sau khi nâng cấp mở rộng, Nhà máy sẽ có thêm sản phẩm nhựa đường và tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường, BSR sẽ sản xuất thêm một số sản phẩm nữa. NMLD Dung Quất cũng đang sản xuất sản phẩm xăng Jet - A1K và dầu diezel L62 cung cấp cho các máy bay chiến đấu, tàu ngầm của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Hiện Công ty BSR và Ban quản lý dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất đang đàm phán thuê tư vấn thu xếp vốn cho dự án với tỷ lệ 30% vốn của doanh nghiệp, 70% vay ngân hàng thương mại. Các hoạt động thu xếp vốn đang có nhiều thuận lợi và đúng tiến độ.
 
Xin cảm ơn ông! 
 
M.Toàn (thực hiện)
 
 
 

.