Xóa án tích là một quy định đầy tính nhân văn

02:07, 21/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp xung quanh một trong những quy định quan trọng của pháp luật hình sự nước ta, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội.

-PV: Xin ông cho biết, án tích và xóa án tích là gì và thẩm quyền xóa án tích thuộc cơ quan nào?

Ông NGUYỄN MẠNH THẮNG: Khái niệm án tích được hiểu là việc người đã bị kết án hình sự và thi hành hình phạt nhưng chưa được xóa án. Xóa án tích là việc người bị kết án sau khi thi hành bản án hình sự một thời gian nhất định thì được mặc nhiên xoá án tích hoặc được tòa án cấp chứng nhận xoá án tích theo quy định của pháp luật.

Khái niệm xóa án tích được quy định cụ thể tại điều 63 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009): “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và được tòa án cấp giấy chứng nhận”. Theo đó, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xóa án tích thuộc về cơ quan Tòa án.

-PV: Điều kiện và thủ tục để được xóa án tích thực hiện như thế nào, thưa ông?
 

"Với chế định xóa án tích, Nhà nước ta đã ghi nhận sự nỗ lực cải tạo của người phạm tội nhằm xóa bỏ đi việc đã từng bị kết án của mình, từ đó giúp xóa bỏ mặc cảm tội lỗi của bản thân và thành kiến của xã hội đối với người phạm tội đã hoàn lương, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội".
Ông Nguyễn Mạnh Thắng- Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Ông NGUYỄN MẠNH THẮNG: Bộ luật Hình sự hiện hành chia ra 3 trường hợp xóa án tích, đó là:          

Đương nhiên xóa án tích: Đối với người được miễn hình phạt; người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, nếu từ khi chấp hành xong bản án (hình phạt và các khoản tiền án phí, tiền phạt hoặc khoản tiền bồi thường  dân sự khác) hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành án, người đó không phạm tội mới trong thời hạn 1 năm (trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo), 3 năm (trong trường hợp phạt tù đến 3 năm); 5 năm (trong trường hợp phạt tù trên 3 năm đến 15 năm) và 7 năm (trong trường hợp phạt tù trên 15 năm).

Xoá án tích theo quyết định của tòa án: Tòa án quyết định xoá án tích đối với những người bị kết án về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV Bộ luật Hình sự (các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh), căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án, trong các trường hợp sau đây:

Đã bị phạt tù 3 năm mà không phạm tội mới trong thời hạn 3 năm, kể từ khi chấp hành xong bản án, hoặc kể từ khi hết thời hiệu thi hành bản án; đã bị phạt tù trên 3 năm đến 15 năm mà không phạm tội mới trong thời hạn 7 năm, kể từ khi chấp hành xong bản án, hoặc hết thời hiệu thi hành án; đã bị phạt tù trên 15 năm mà không phạm tội mới trong thời hạn 10 năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc hết thời hiệu thi hành án. Cần lưu ý rằng, người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, phải chờ 1 năm sau mới được xin xóa án tích; nếu bị Tòa án bác đơn lần thứ hai trở đi thì phải sau 2 năm mới được xin xóa án tích.

Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt: Trong trường hợp người bị kết án có những tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác, hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị thì có thể được Tòa án xóa án tích, nếu người đó đã đảm bảo ít nhất một phần ba thời hạn quy định.

Người xin xóa án tích nộp hồ sơ xin xóa án tích tại Tòa án đã xét xử sơ thẩm (có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện) và không phải nộp bất cứ khoản tiền lệ phí tòa án nào (trừ trường hợp xin sao quyết định xóa án tích hoặc giấy chứng nhận xóa án tích).

-PV: Việc được xóa án tích có ý nghĩa ra sao đối với người đã phạm tội?

Ông NGUYỄN MẠNH THẮNG: Người được xoá án tích thì sẽ được coi như chưa bị kết án và sẽ không bị coi là có tiền án, nếu phạm tội lần tiếp theo sẽ không tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Như vậy, nó sẽ giúp cho những người đã từng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời, giảm bớt mặc cảm, bởi quá khứ tội lỗi của mình và không bị cộng đồng phân biệt đối xử.

Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình học tập, lao động và ảnh hưởng đến đời sống cũng như khả năng phạm tội mới của những người này, nhất là đối với người phạm tội chưa thành niên. Do đó, dưới cả hai góc độ pháp luật và thực tiễn có thể nói, quy định về xóa án tích hiện nay là hết sức nhân văn.


NG.TRIỀU
(thực hiện)


 


.