Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Cơ bản giải phóng xong mặt bằng

02:07, 08/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành, khả năng đến 10.7 này sẽ thông tuyến”. Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Thanh - Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình giao thông, thuộc Sở GTVT tỉnh.

Ông Phạm Văn Thanh cho biết, với sự nỗ lực và vào cuộc đồng bộ của các đơn vị, địa phương trong giải quyết các tồn tại vướng mắc để giải phóng, bàn giao mặt bằng cho Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đến ngày 30.6.2016, đơn vị đã bàn giao mặt bằng 39,82/40km của toàn dự án.

Như vậy, chỉ còn 80m tại Km108+420-Km108+500 thuộc xã Bình Trung (Bình Sơn) chưa thông tuyến và 100m tại nút giao thông bắc Quảng Ngãi đã thông tuyến, nhưng chưa bàn giao mặt bằng.

Những phần việc còn lại chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm trong những ngày tới, qua đó hoàn thành 100% khối lượng công việc giải phóng mặt bằng.

-PV: So với giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, thì việc giải phóng mặt bằng cho Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có nhẹ nhàng hơn?
 

Tiểu Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi dài 40km. Trong đó, tuyến cao tốc dài 32,3km và chiều dài đoạn nối Quốc lộ 1 là 7,7km. Tuyến cao tốc này đi qua 14 xã của 5 huyện, thành phố là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và TP. Quảng Ngãi. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng Tiểu dự án gần 863 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Tiểu dự án từ tháng 1.2011 đến tháng 6.2016.
(Theo báo cáo của Sở GTVT Quảng Ngãi)

Ông Phạm Văn Thanh: Thực tế không phải như vậy. Việc giải phóng mặt bằng cho Dự án Quốc lộ 1 có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, còn Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi gần như Sở GTVT phối hợp với các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa,  Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi thực hiện, nên có những khó khăn riêng.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc phải thực hiện cũng không nhỏ. Số hộ bị ảnh hưởng của vùng dự án lên đến 6.660 hộ, trong đó có 491 hộ phải di dời. Có 5.887 mồ mả và 75 vị trí công trình công cộng phải di dời. Chúng tôi phải xây dựng 26 khu tái định cư và 11 khu cải táng mồ mả để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án này.

-PV: Chúng ta đã có những kinh nghiệm gì trong xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án này?

Ông Phạm Văn Thanh: Một thuận lợi cơ bản là các khu tái định cư phục vụ Dự án đường cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi xây dựng theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Theo đó, diện tích giao đất tái định cư khá lớn và đa phần trên 250 m2. Vì vậy, việc di dời cũng như xây nhà tái định cư của người dân cũng thuận lợi, thông thoáng hơn.

Nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ vì có hạ tầng kỹ thuật là điện, đường, nước sinh hoạt... đồng bộ. Có một số khu tái định cư như Đồng Gốc Gáo (Sơn Tịnh); Vườn Hùng, Gò Ngựa (Bình Sơn) có tiêu chuẩn như đô thị như có đường bê tông xi măng rộng 5,5m, vỉa hè rộng từ 1,5 đến 3m; có cả điện đường, hệ thống cấp- thoát nước...

Nhờ có mặt bằng sạch, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đoạn qua xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh).                                                 Ảnh: PV
Nhờ có mặt bằng sạch, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đoạn qua xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Ảnh: PV

 


THANH TOÀN (thực hiện)




 


.