Tiếp tục siết chặt quản lý tải trọng

05:01, 15/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc kiểm tra, xử lý xe chở quá tải trọng  cho phép  trên địa bàn Quảng Ngãi năm 2015 đạt những kết quả khả quan.  Tình trạng chở quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 giảm rõ rệt. Ý thức chấp hành của lái xe, chủ xe có những chuyển biến tích cực… Ông Đỗ Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, Sở này vừa ban hành Kế hoạch kiểm soát tải trọng xe lưu động (KSTTXLĐ)  nhằm tiếp tục siết chặt quản  lý, xử lý và hạn chế tình trạng chở quá tải trọng trên địa bàn tỉnh trong năm 2016.

Năm 2015, lực lượng công tác tại Trạm Kiểm tra TTXLĐ đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho hơn 3.570 lượt lái xe, chủ xe và các chủ doanh nghiệp về chủ đề an toàn giao thông năm 2015, đó là “siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng, phương tiện”  với mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”, “năm 2015 không còn xe chở quá tải”. Sở GTVT đã phối hợp với Công an tỉnh làm việc với 76 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận tải để phổ biến, đối thoại và giải thích chủ trương, chính sách về hoạt động kinh doanh vận tải và dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh…
 

Năm 2015 Trạm kiểm tra TTXLĐ của tỉnh triển khai hoạt động 24/24 giờ trên tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 24,  kiểm tra 8.523 trường hợp phương tiện, phát hiện và xử lý 885 trường hợp vi phạm quá tải; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 287 trường hợp và xử phạt với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng... Nhờ đó tỷ lệ chở quá tải trên tuyến Quốc lộ 1A giảm từ 80% xuống còn dưới 5%. Các phương tiện tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe để chở quá tải đã tự ý tháo dỡ; hạn chế đến mức thấp nhất các phương tiện chở hàng hóa quá tải gây mất an toàn giao thông, làm hư hỏng đường sá.

-P.V: Mục đích và yêu cầu đặt ra trong KSTTXLĐ năm 2016 là gì, thưa ông ?

Ông Đỗ Tiến Đạt: Năm nay,  chúng tôi sẽ tiếp tục siết chặt quản lý tải trọng trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra trong công tác này là triển khai đồng bộ giải pháp kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ nhằm bảo vệ công trình giao thông, giảm tai nạn, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực vận tải đường bộ; nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; tăng cường sự phối hợp lực lượng trong việc KSTTXLĐ trên đường bộ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu của công tác kiểm soát tải trọng là bố trí đủ lực lượng phối hợp để thực hiện nhiệm vụ KSTTXLĐ theo đúng chỉ đạo và chú trọng kiểm soát tải trọng ngay tại đầu mối xếp hàng hóa lên xe ô tô; việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mỗi lực lượng và phải bảo đảm nghiêm minh, công khai, đúng quy trình quy phạm, không gây cản trở và làm ùn tắc giao thông…

-P.V: Theo ông, đâu là những khó khăn  trong  KSTTXLĐ thời gian đến?

Ông Đỗ Tiến Đạt: Tuy tình hình vi phạm đã được cải thiện nhưng hiện tượng chở quá tải vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp các quy định của pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn nhằm qua mặt, trốn tránh lực lượng kiểm tra để chở quá tải. Một số địa phương chưa thực sự vào cuộc mà coi công tác kiểm soát tải trọng  là trách nhiệm của Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông; có nơi làm chưa quyết liệt, thiếu chặt chẽ đã tạo kẽ hở cho các phương tiện chở quá tải luồn lách, né tránh, dẫn đến công tác kiểm soát tải trọng chưa cao. Thiết bị kỹ thuật của trạm cân lưu động thiếu ổn định và thường xuyên hư hỏng nhưng không có dự phòng, nên phải tạm nghỉ để sửa chữa đã tạo lỗ hổng về kiểm soát tải trọng. Bên cạnh đó Tổng cục Đường bộ chưa xây dựng và ban hành quy chế phối hợp xử lý giữa các Trạm kiểm tra TTXLĐ nên tình trạng cố tình né tránh, vượt trạm vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là khi đặt trạm tại địa bàn giáp ranh các tỉnh…

-P.V: Vậy cách khắc phục những hạn chế đó như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Tiến Đạt: Chúng tôi đã đề nghị Tổng cục Đường bộ xem xét bổ sung cân xách tay có in kết quả cân cho các trạm cân xe lưu động và trang bị nơi ở, nơi làm việc cho cán bộ làm nhiệm vụ để đảm bảo phục vụ công tác kiểm soát tải trọng 24/24 giờ; chỉ đạo  các Trạm kiểm tra TTXLĐ trên toàn quốc  siết chặt hơn nữa công tác KSTT, có biện pháp xử lý kiên quyết  đối với các doanh nghiệp vận tải thường xuyên vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; xem xét, xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các Trạm kiểm tra TTXLĐ của các địa phương để xử lý nghiêm các hành vi vượt trạm. Chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai công tác kiểm soát tải trọng  đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và đề nghị Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh xử lý kiên quyết, triệt để hành vi chở quá tải và không chấp hành yêu cầu kiểm soát tải trọng của các lực lượng chức năng…


THANH TOÀN
(thực hiện)

 


.