Xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới

06:11, 21/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23.11.1945 - 23.11.2015). PV.Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn với đồng chí Lữ Ngọc Bình - Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh về truyền thống và những thành quả nổi bật của ngành.

-PV: Xin đồng chí cho biết khái quát quá trình xây dựng và trưởng thành của Thanh tra Việt Nam và Thanh tra tỉnh?

Đồng chí Lữ Ngọc Bình: Cách đây 70 năm, ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Ngày 23.11.1945, đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.

Có thể nói, việc thành lập Ban thanh tra đặc biệt thể hiện vai trò và sự cần thiết của công tác thanh tra đối với chính quyền ngay  từ buổi đầu mới thành lập. Thanh tra trở thành một chức năng thiết yếu trong quản lý và là một thiết chế giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc các cấp chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xử lý các vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
 

 

Những ngày đầu tái lập tỉnh, cơ quan Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 8 đồng chí, gặp vô vàng khó khăn. Thế nhưng, với sự nỗ lực của từng cá nhân và tập thể, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra có những chuyển biến quan trọng, từng bước đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức ngành đã được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp cách mạng. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được nâng cao, góp phần tích cực vào thành công của sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Điều này sẽ càng củng cố niềm tin của Đảng và Nhân dân vào ngành Thanh tra".
Đồng chí Đỗ Tiến Dũng (ảnh)- Nguyên Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh.

Đối với tỉnh Quảng Ngãi, sau ngày giải phóng tỉnh (24.3.1975), cùng với việc xây dựng, củng cố chính quyền Cách mạng, Phòng Thanh tra trực thuộc UBND tỉnh được thành lập và từng bước hoạt động phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ cách mạng. Thời kỳ sáp nhập 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình, cơ quan Thanh tra được tổ chức và hoạt động với tên gọi Ủy ban Thanh tra tỉnh.

Khi tái lập tỉnh (7.1989), ngành Thanh tra Quảng Ngãi bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc, thì còn gặp phải khó khăn lớn về đội ngũ cán bộ, công chức. Cơ quan Thanh tra tỉnh chỉ có 8 đồng chí, nhiều sở, ngành chưa có tổ chức thanh tra. Nhờ sự quan tâm, lãnh đạo kịp thời của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự tận tình giúp đỡ của các sở, ban ngành, huyện, thành phố, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh nên hệ thống các cơ quan Thanh tra trong tỉnh nói chung và cơ quan Thanh tra tỉnh nói riêng trong suốt 26 năm qua luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

-PV: Ngành Thanh tra tỉnh đã có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vậy đâu là những thành tích nổi bật nhất?

Đồng chí Lữ Ngọc Bình: Trong những năm qua, Thanh tra tỉnh bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, nỗ lực quyết tâm đổi mới trong tổ chức, hoạt động chuyên môn nên đã đạt được tiến bộ không ngừng, giữ vững niềm tin của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đối với công tác thanh tra. Hoạt động thanh tra ngày càng được đẩy mạnh, toàn ngành đã tập trung lực lượng, tổ chức triển khai thanh tra vào những lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, có nhiều bức xúc như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, tài chính - ngân sách, việc thực hiện các chính sách xã hội...

Các cuộc thanh tra diện rộng theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 550 tỷ đồng, 242 chỉ vàng, hơn 36.000 USD, trên 4.100 tấn thóc, 5.150ha đất các loại và nhiều vật tư hàng hóa. Từ đó, đã kiến nghị cấp thẩm quyền thu hồi vào ngân sách gần 170 tỷ đồng, 4.000ha đất, hoàn trả cho tập thể và cá nhân trên 10 tỷ đồng, xử lý vi phạm hành chính 19.000 trường hợp, với tổng số tiền 40 tỷ đồng, xử lý hành chính 1.600 cán bộ, công chức, viên chức, chuyển cơ quan điều tra xử lý trên 125 đối tượng và đã đề xuất hàng ngàn kiến nghị chấn chỉnh việc chấp hành chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội. Kết quả các cuộc thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị xử lý rõ ràng, có tính khả thi cao và khắc phục những thiệt hại lớn về tài chính, nên có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý ở địa phương.

Song song với công tác thanh tra kinh tế - xã hội, ngành Thanh tra tỉnh đã tích cực thực hiện chức năng tham mưu, giúp lãnh đạo các cấp, các ngành về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Toàn ngành đã tiếp nhận và xử lý 97.000 đơn khiếu nại, tố cáo; đã thẩm tra kết luận, kiến nghị thủ trưởng cùng cấp giải quyết gần 12.000 vụ việc. Các cơ quan Thanh tra luôn được thủ trưởng cùng cấp tin tưởng giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh, kết luận những vụ khiếu nại, tố cáo khó khăn, phức tạp. Số lượng và chất lượng giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên; đối thoại, công khai trong giải quyết khiếu nại, tố cáo  được thực hiện tốt; không để xảy ra “điểm nóng”; không để xảy ra oan, sai trong giải quyết khiếu nại hành chính, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, giữ vững lòng tin của nhân dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan Thanh tra trong tỉnh còn thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho toàn thể cán bộ, công chức trong ngành; tích cực tham mưu cho thủ trưởng cùng cấp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác PCTN. Đặc biệt, ngành Thanh tra tỉnh đã tăng cường thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng thông qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.


-PV: Ngành Thanh tra tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Lữ Ngọc Bình: Ngành Thanh tra tỉnh sẽ phát huy hơn nữa vai trò của thanh tra, không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra, làm cho hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần tích cực hơn nữa vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Với mục tiêu đó, trong thời gian tới, ngành Thanh tra tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế thanh tra, tiếp dân, khiếu nại, tố cáo, PCTN và lĩnh vực có liên quan thuộc thẩm quyền của ngành mình, cấp mình; bảo đảm hoạt động của thanh tra ngày càng hiệu quả, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, tính chính quy, hiện đại; khẳng định vị thế, vai trò, nhiệm vụ thanh tra trong hoạt động quản lý nhà nước.

Hai là, trong công tác thanh tra cần bám sát kế hoạch, kịp thời, thanh tra đột xuất, tập trung thanh tra công vụ vào những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhằm phát hiện, chấn chỉnh sơ hở, bất cập trong quản lý, xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực cũng như kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp. Chú ý nâng cao chất lượng công tác thanh tra, đảm bảo kết luận thanh tra chính xác, khách quan, đúng pháp luật; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra.

Ba là, ngành Thanh tra tỉnh cần thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa phát sinh khiếu nại, tố cáo, các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.

Bốn là, trong công tác PCTN cần có giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn để tạo chuyển biến rõ rệt. Chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa; đồng thời đẩy mạnh phát hiện tham nhũng và có biện pháp kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.

Năm là, tập trung củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ, tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên, bảo đảm thật sự trong sạch, có bản lĩnh; đổi mới phong cách, phương pháp chỉ đạo, điều hành.

-PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Trong 26 năm kể từ khi tái lập tỉnh, ngành Thanh tra tỉnh vinh dự được đón nhận 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, 17 Huân chương Lao động hạng Ba, 3 Cờ thi đua của Chính phủ, 25 Cờ thi đua xuất sắc của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh, 29 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc…

 


NGUYỄN TRIỀU
(thực hiện)


 


.