Nhận diện hộ nghèo ngày càng chính xác hơn

02:11, 22/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khác với việc xác định chuẩn nghèo chỉ dựa theo thu nhập, tới đây, chuẩn nghèo mới được xem xét dựa trên 5 chiều gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin. Chuẩn nghèo mới sẽ không chỉ tác động đến người nghèo mà sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho từng địa phương, khu vực. PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Duy Nhân – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh để hiểu rõ thêm về vấn đề này.


Đây là quy định tại Quyết định 1614/QĐ-TTg về Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều cho giai đoạn 2016 - 2020”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 

 Chuẩn mới cho hộ nghèo và hộ cận nghèo


Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ chuẩn nghèo chính sách trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt từ 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu, và thiếu hụt dưới 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

-PV: Được biết tỉnh ta đã triển khai tập huấn đến cơ sở phương pháp đo lường nghèo đa chiều. Vậy xin ông cho biết nội dung, mục đích và ý nghĩa của phương pháp này?

Ông Nguyễn Duy Nhân: Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo. Thông qua phương pháp này, chúng ta sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương. Đặc biệt, các cơ quan quản lý sẽ nhận thấy rõ hơn các khu vực có mức độ thiếu hụt cao, làm cơ sở xây dựng các chính sách cụ thể để từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư.

Việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua phương pháp này sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, đồng thời là cơ sở để các Sở, ban ngành trong tỉnh  tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các giải pháp, chính sách, lộ trình để cải thiện, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản theo lĩnh vực, địa bàn, bảo đảm sử dụng nguồn lực dành cho giảm nghèo hợp lý, tập trung và hiệu quả hơn.

-PV:  Vậy các tiêu chí đo lường hộ nghèo và chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thay đổi như thế nào? Phương pháp này có đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo ở tỉnh ta không, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Nhân: Các tiêu chí trong tiếp cận đo lường nghèo đa chiều gồm: Tiêu chí thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chuẩn nghèo về thu nhập (còn gọi là chuẩn nghèo chính sách) đối với khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được xác định 5 chiều, mỗi chiều có 2 chỉ số, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt bao gồm về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em), về y tế (tiếp cận các dịch vụ y tế,  bảo hiểm y tế), về nhà ở (chất lượng nhà ở,  diện tích nhà ở bình quân đầu người), về nước sạch và vệ sinh (nguồn nước sinh hoạt; loại hố xí/nhà tiêu) và về tiếp cận thông tin (sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin).

 Thiếu hụt về thông tin là một trong 5 chiều được xác định trong tiêu chí mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Trong ảnh: Chiếu bóng lưu động ở Trà Xinh (Tây Trà).
Thiếu hụt về thông tin là một trong 5 chiều được xác định trong tiêu chí mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Trong ảnh: Chiếu bóng lưu động ở Trà Xinh (Tây Trà).


Ngưỡng thiếu hụt đa chiều là mức độ thiếu hụt mà nếu hộ gia đình thiếu nhiều hơn mức độ này thì bị coi là thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Qua tiến hành điều tra, rà soát thông qua các phiếu, bảng điểm theo quy định, ngưỡng thiếu hụt đối với một hộ gia đình là thiếu từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt trở lên.

 Theo tôi, chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng nghèo chính xác, cụ thể hơn, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của đối tượng thụ hưởng. Ví dụ như, đối với nhóm hộ nghèo cùng cực - vừa thiếu hụt thu nhập vừa thiếu hụt đa chiều - sẽ ưu tiên cả các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và thành viên để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao mức thu nhập. Với nhóm hộ nghèo về thu nhập nhưng không thiếu hụt đa chiều, giải pháp tác động là hỗ trợ trực tiếp, tập trung vào tạo các điều kiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thông qua các chính sách hỗ trợ... Nhóm hộ không nghèo về thu nhập nhưng thiếu hụt đa chiều sẽ được hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...


-PV: Việc tiến hành áp dụng phương này có ảnh hưởng đến chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh ta trong thời gian tới không? Và tỉnh ta có những phương án nào để thực hiện tốt cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo và cận nghèo năm 2015?

Ông Nguyễn Duy Nhân: Khi thực hiện phương pháp tiếp cận này sẽ làm thay đổi tỷ lệ giảm nghèo ở tỉnh ta trong thời gian tới. Ước đến cuối năm 2015, qua điều tra, rà soát theo chuẩn cũ giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta còn khoảng 8,44%; nếu chuyển đổi phương pháp mới này trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giảm nghèo tỉnh ta sẽ tăng 1,5 đến 2 lần so với chuẩn cũ. Do đó, ngân sách và giải pháp cụ thể dành cho chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững cần được cân đối, bố trí để thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ cho phù hợp.

Để thực hiện tốt cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo và cận nghèo theo phương pháp mới, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5631 ngày 4.11.2015. Theo đó, các Sở, ban ngành, Mặt trận và các Hội đoàn thể các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai, tổ chức thực hiện. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giám sát để giúp các địa phương trong việc tập huấn, kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý sai sót của điều tra viên (nếu có) và những phát sinh trong quá trình điều tra. Đến ngày 25.12.2015, các huyện, thành phố sẽ tổng hợp kết quả điều tra, xác định phân loại các đối tượng theo tiêu chí nghèo đa chiều báo cáo UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH.


XUÂN HIẾU
(thực hiện)


 


.