Dạy cho trẻ biết quý giá trị cuộc sống

09:04, 02/04/2015
.

Thạc sĩ  Nguyễn Văn Kính.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Kính.

(Báo Quảng Ngãi)- Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, thạc sĩ Nguyễn Văn Kính-Trưởng bộ môn tâm lý giáo dục, Khoa Sư phạm xã hội, Trường ĐH Phạm Văn Đồng nói: “Hiện nay, hệ giá trị đang bị xáo trộn. Cần dạy cho trẻ biết quý giá trị cuộc sống, để có thể ngăn cản mình không bị sa ngã”.

*Trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ vị thành niên có hành vi nông nổi dẫn đến hệ lụy đau lòng. Ông nghĩ sao về tình trạng này?

Cái gốc của vấn đề ở ngay mối quan hệ của bản thân đứa trẻ. Từ bé trẻ đã biết quý giá trị của cuộc sống, biết tôn trọng bản thân mình, tôn trọng tình cảm yêu thương từ gia đình, kính trọng thầy cô giáo thì tự các em sẽ kiềm chế, ngăn không cho mình sa ngã. Trẻ ở lứa tuổi vị thành niên chưa phát triển đầy đủ về sinh lý, sự trưởng thành xã hội còn kém. Nếu thấy xung quanh có quá nhiều hiện tượng mà người ta coi là bình thường thì các em sẽ coi là bình thường.

Trường hợp trẻ vị thành niên có hành vi nông nổi dẫn đến hệ lụy đau lòng, đơn cử như trẻ mang thai khi đang học cấp II… phần lớn rơi vào học sinh có học lực yếu kém, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, thậm chí có những đứa trẻ sống gần như tự do. Do đó cần thiết phải giáo dục giá trị cuộc sống cho trẻ để các em đủ sức vượt qua cám dỗ.

*Không ít gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương lúng túng khi giải quyết sự việc, dẫn đến trẻ rơi vào vòng xoáy của nỗi đau. Vậy nên giải quyết như thế nào để hành vi nông nổi  không tiếp diễn?

Khi sự việc đáng tiếc xảy ra, không nên mắng nhiếc, lỵ mạ trẻ vì lứa tuổi các em không đủ sức để chịu đựng và có thể dẫn đến điều đáng tiếc hơn, đơn cử như tự tử. Chúng ta phải chấp nhận sự thật đau lòng và tìm cách hỗ trợ trẻ. Khuyên bảo, giáo dục để trẻ xem đó là một bài học trong cuộc sống của chính mình, và cũng là bài học cho cả người lớn. Lỗi đó không phải chỉ ở đứa trẻ mà có cả lỗi của bố mẹ, thầy cô vì đã không quan tâm giáo dục trẻ một cách chu đáo.

*Nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến vấn đề giáo dục giới tính. Theo ông, giáo dục giới tính cho trẻ ở tỉnh ta hiện nay đã được quan tâm đúng mức?

 Đằng nào các em cũng biết về vấn đề giới tính thông qua nhiều kênh khác nhau, nhưng giáo dục trong nhà trường thì chính thống và bài bản hơn. Tuy nhiên, hiện nay số tiết giảng dạy trong nhà trường còn ít. Nhiều người cho rằng giáo dục giới tính là vẽ đường cho hươu chạy, suy nghĩ đó tuyệt nhiên không đúng. Đằng nào đứa trẻ cũng tự tìm hiểu vì đến tuổi dậy thì phát dục diễn ra nhanh chóng.  

Không phải đợi trẻ đến tuổi dậy thì mới giáo dục giới tính, theo tôi gia đình phải giáo dục trước cho trẻ. Nền tảng giáo dục vẫn là xây dựng hệ giá trị. Bé gái thường dậy thì sớm hơn nên cần đặc biệt chú ý, nên nói trước để trẻ chủ động.

Về phía nhà trường, nên nói chuyện chuyên đề về giáo dục giới tính cho trẻ ở lứa tuổi dậy thì theo kiểu đối thoại chứ không phải diễn thuyết.

*Gần đây, ở tỉnh ta xuất hiện học sinh yêu đương đồng tính. Ông có lời khuyên gì cho trường hợp này?

Có trường hợp chỉ một em bị đồng tính, em kia không bị. Thế nhưng cử chỉ vuốt ve thường xuyên đã gây sự khoái cảm nhất định, lâu dài trở thành nhu cầu thể xác thuần túy và tự ám thị. Đó cũng một phần do chưa được giáo dục giới tính. Trường hợp này cần khuyên bảo các em phải tự kiểm soát mình. Ở các thành phố lớn, trong mỗi trường học có người chuyên trách tư vấn tâm lý cho học sinh. Mọi khúc mắc về tâm sinh lý, ngay cả xung đột bạn bè cũng được trẻ tìm đến để chia sẻ và để được tư vấn. Đây là điều nên làm ở trường học để trẻ có điểm tựa về tinh thần, nhất là đối với trẻ vị thành niên.

Lâm Vi (thực hiện)
 


.