Các kỳ thi sẽ được tổ chức nghiêm túc trên tinh thần đổi mới

01:04, 21/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giám đốc Sở GD&ĐT Đoàn Dụng đã khẳng định như vậy khi trao đổi với PV Báo Quảng Ngãi xoay quanh các kỳ thi sắp diễn ra. Ông Dụng cho biết bên cạnh đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016 trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều điểm mới, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.   

- Đối với kỳ thi THPT quốc gia, công tác chuẩn bị ôn tập cho học sinh được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Đoàn Dụng: Thời gian ôn tập cao điểm cho học sinh bắt đầu thực hiện từ 15.5 đến hết tháng 6. Sở GD&ĐT đã triển khai đầy đủ các văn bản, quy chế của Bộ GD&ĐT đến các trường; đồng thời có văn bản hướng dẫn ôn tập cho học sinh. Trong đó nêu rõ phải có sự phân hóa học sinh để ôn tập đạt hiệu quả, tránh trường hợp các em bị “ngợp”  trước đề thi “2 trong 1”.

Mạng lưới chuyên môn của Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức sinh hoạt. Những phần khó, học sinh thường bị “vấp” khi làm bài được chỉ rõ qua buổi sinh hoạt chuyên môn, sau đó giáo viên giỏi được cử đi tham dự của từng trường truyền tải lại cho tất cả GV trong trường, do đó rất thuận lợi cho công tác ôn tập. Việc ôn tập hiệu quả hay không phần nhiều phụ thuộc vào tâm huyết, trình độ, trách nhiệm của GV. Phải bám chương trình ôn tập như Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, làm bài theo tư duy, vận dụng kiến thức. Chương trình trọng tâm ở lớp 12, đề thi có thể ra ở  bất kỳ bài học nào.

Từ nay đến ngày 15.5 Sở GD&ĐT sẽ tổ chức một đợt thi thử. Cấu trúc đề thi thử giống như đề minh họa Bộ GD&ĐT đã đưa ra để học sinh làm quen.

- Trước đây có tình trạng các trường tự ý cắt xén chương trình THPT để dành thời gian ôn tập thi tốt nghiệp. Năm nay, Sở GD&ĐT có giải pháp như thế nào để tránh tình trạng này?

Ông Đoàn Dụng: Sở GD&ĐT đã phân công rõ trách nhiệm, gồm có giám đốc, phó giám đốc, lãnh đạo các phòng chuyên môn… sẽ trực tiếp đi kiểm tra các trường để nắm rõ tình hình ôn tập, tránh tình trạng các trường tự ý cắt xén chương trình. Kỳ thi “2 trong 1” có sự đổi mới rất lớn, các em đăng ký thi ở nhiều môn khác nhau, nếu cắt xén chương trình sẽ rất ảnh hưởng. Do đó đề nghị các trường phải dạy đúng theo chương trình kế hoạch đã đề ra.

Sở chỉ đạo các trường phải họp phụ huynh khối lớp 12 để phổ biến những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia và định hướng để học sinh chọn môn thi như thế nào cho đúng sức học, đúng nguyện vọng xét tuyển vào ĐH. Điều này rất quan trọng, vì liên quan đến tương lai của các em.

- Ông có lời khuyên gì dành cho các thí sinh sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia?

Ông Đoàn Dụng:  Toàn tỉnh có khoảng 14.500 thí sinh đang học lớp 12 tại các trường THPT và dự đoán theo những năm trước thì sẽ có khoảng 2.000 thí sinh tự do tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Ngày 30.4 sẽ dứt điểm việc đăng ký nguyện vọng thi. Học sinh phải tự biết thực lực học tập của mình để đăng ký nguyện vọng thi phù hợp. Không còn thời gian nào nữa, phải dồn hết sức cho việc ôn tập. Các em không nên nghĩ đến việc mang tài liệu vào phòng thi và các phương tiện hỗ trợ khác. Nếu các em ôn tập kỹ sẽ có sự tự tin rất lớn trong khi thi. Học sinh và phụ huynh đừng suy nghĩ thi tại địa phương sẽ dễ dãi hơn ở Quy Nhơn. Kỳ thi tại cụm địa phương cũng sẽ tổ chức nghiêm túc trên tinh thần đổi mới.
 Trong kỳ thi “2 trong 1” môn nào cũng tăng thời gian làm bài so với đề thi tốt nghiệp trước đây. Do đó các em phải nắm rõ cách thức làm bài thi. Dễ làm trước, khó làm sau, tuyệt đối không được ra về sớm.

- Còn đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở tỉnh ta có những điểm mới gì, thưa ông?

Ông Đoàn Dụng:  Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016 ở tỉnh ta năm nay có một số nét đổi mới chính. Đó là thi tuyển đầu vào môn ngoại ngữ  Trường THPT chuyên Lê Khiết phải thi cả phần nghe, nói.  

Điểm mới thứ hai là điểm liệt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ là dưới 1 điểm, trước đây là 0 điểm. Học sinh không thể học 9 năm học mà thi không được 1 điểm. Qua đây để các trường nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy.   

Điểm mới nữa là Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển. Đối tượng là học sinh đồng bào dân tộc ít người ở 6 huyện miền núi, trong đó có 5-10% người Kinh đang sống ở miền núi. Đây là cơ chế Bộ GD&ĐT cho phép. Lâu nay Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh không tổ chức thi mà xét tuyển. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT giao thẩm quyền giám đốc Sở GD&ĐT quyết định. Với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của Trường THPT Dân tộc nội trú, Sở GD&ĐT quyết định tổ chức thi tuyển. Trong điều kiện đổi mới, chất lượng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu.
 
 
PHƯƠNG LÝ
(thực hiện)

 

.