Phấn đấu thực hiện tốt "Năm an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản"

10:03, 15/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ NN&PTNT đã quyết định lấy năm 2015 là “Năm an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản”. Theo đó, trong năm nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt sẽ được toàn ngành nông nghiệp triển khai tích cực nhằm giải quyết triệt để tình trạng gây hậu quả đến sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi cho những nhà sản xuất, xuất khẩu chân chính... Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết về việc triển khai thực hiện vấn đề trên tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

-PV: Thưa ông, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản không phải là mới?

Ông PHAN HUY HOÀNG: Đúng thế! Vấn đề này đã được đặt ra và thực hiện từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, tạp chất trong rau, củ quả, thịt, cá, tôm, mực... vượt mức cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tâm lý lo ngại đối với người tiêu dùng trong nước và uy tín của hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Theo thống kê thì hiện còn khoảng từ 5 - 6% rau, củ, quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đối với thủy sản, chăn nuôi vẫn còn tồn dư chất cấm, kháng sinh. Trong thịt, thủy sản cũng có vấn đề nhiễm vi sinh, nấm mốc. Có tình trạng người nuôi tự trộn kháng sinh vào thức ăn, ảnh hưởng đến chất lượng vật nuôi... Vì lẽ đó, Bộ NN&PTNT đã chọn năm nay là “Năm an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản”, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn ngành nông nghiệp trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản; trách nhiệm của nhà sản xuất, chế biến, phân phối, xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản...

-P.V: Vậy kế hoạch triển khai thực hiện “Năm an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản” của Quảng Ngãi như thế nào?

Ông PHAN HUY HOÀNG: Sau khi lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành như: Công thương, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh... Sở NN&PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định phân công thực hiện công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản  (NLTS) trên địa bàn tỉnh.  Kèm theo quyết định là quy định phân công, phân cấp cụ thể việc thực hiện công tác quản lý nhà nước của từng sở, ngành, đơn vị, địa phương trong lĩnh vực trên. Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định và quy định, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện.

-P.V: Về nguyên tắc quản lý, việc tham mưu của Sở NN&PTNT có nội dung gì mới?

Ông PHAN HUY HOÀNG: Nét mới đó là việc phân công, phân cấp nhiệm vụ và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và NLTS thuận lợi, rõ ràng, tránh bỏ sót nhiệm vụ và không chồng chéo khi tổ chức thực hiện đối với các sở, ngành có liên quan và cấp địa phương.

Trình tự thủ tục kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh NLTS đủ điều kiện an toàn thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ... thực hiện theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT và Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT mới  ban hành trong tháng 12.2014.  Nếu kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp dưới trùng với kế hoạch của thanh tra, kiểm tra cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch của cơ quan cấp trên.

Trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ thì cơ quan phối hợp thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm cử cán bộ có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tham gia; cơ quan chủ trì việc thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra cho cơ quan phối hợp...

-P.V: Như vậy thì công tác quản lý nhà nước về chất lượng VTNN và sản phẩm NLTS trên địa bàn tỉnh thời gian đến sẽ không còn chồng lấn, lạm quyền hoặc đùn đẩy trách nhiệm?

Ông PHAN HUY HOÀNG: Với việc phân công, phân nhiệm, phân cấp cụ thể cho các sở, ngành và  địa phương, chúng ta hy vọng sẽ như vậy. Riêng đối với việc thực hiện “Năm an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản”, tôi cũng lạc quan như phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: "Nếu chúng ta kiểm soát chặt, nâng cao ý thức của người nông dân, người tiêu dùng; đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng… thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp về cơ bản sẽ được giải quyết".
 
THANH TOÀN (thực hiện)
 

.