Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ: Nỗ lực cao nhất để thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2015

06:01, 01/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm (2010 – 2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII. Trước thềm năm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ dành cho Báo Quảng Ngãi cuộc trao đổi với nội dung trọng tâm là đánh giá một số thành tựu kinh tế đạt được năm 2014 và những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội năm 2015...

-P.V: Dù gặp khó khăn nhưng tỉnh ta vẫn đạt được những thành tựu mới, đồng chí có thể cho biết một số kết quả quan trọng trong thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014?


Đồng chí Lê Viết Chữ: Năm 2014, tình hình thế giới, khu vực, Biển Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn; đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh gặp những bất lợi vì hậu quả nặng nề của cơn lũ lịch sử cuối năm 2013 và những khó khăn chung của đất nước, của tỉnh; Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động gần 2 tháng để bảo dưỡng định kỳ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh... Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, bám sát Nghị quyết HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng ca sản xuất, tăng sản lượng trước và sau thời gian sửa chữa định kỳ, duy trì nhịp độ phát triển, nhờ đó hầu hết các chỉ tiêu phát triển đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tốc độ tăng trưởng năm 2014 ước đạt 2,2%, vượt so với kế hoạch năm (0 – 1%). Nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì GRDP năm 2014 tăng 9,7% so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng. Công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 61,5%; dịch vụ chiếm 22,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 15,7% trong tổng GRDP. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.215 USD, vượt kế hoạch (2.133 USD).      
    
Lĩnh vực công nghiệp có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, tổng sản lượng sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ước đạt 5,85 triệu tấn, vượt khoảng 964 nghìn tấn. Trong tỉnh có thêm một số sản phẩm công nghiệp mới có giá trị cao như thủy điện Đăkđrinh, giày Riker, điện tử Foster, xi măng Đại Việt, sản phẩm may mặc của Vinatex... Quảng Ngãi cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm, tạo tiền đề quan trọng để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh cho huyện đảo. Tỉnh cũng đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam triển khai và thực hiện tốt lộ trình sản xuất, phối trộn và kinh doanh xăng E5-Ron 92 trên địa bàn và về đích trước 3 tháng so với lộ trình của Trung ương…

Đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù năm qua tỉnh ta chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của thời tiết cuối năm 2013, hạn hán, dịch bệnh, ngành thai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp… nhưng giá trị sản xuất vẫn đạt khoảng 3.294 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2013. Thương mại, dịch vụ tiếp tục đà phát triển tốt; với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 13%, vượt kế hoạch đề ra.

Một thành tựu mà tôi muốn nhấn mạnh là kết quả thu ngân sách và huy động vốn đầu tư toàn xã hội. Trong năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 28.069 tỷ đồng (trong đó thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ước đạt 23.000 tỷ đồng), vượt 11,3% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 14.677 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2013, vượt kế hoạch đề ra…    

-P.V: Đồng chí cho biết những giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp - nông thôn và miền núi - hải đảo trong năm 2015?

Đồng chí Lê Viết Chữ:  Theo dự báo, năm 2015 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; kinh tế thế giới phục hồi chậm; tranh chấp chủ quyền biển đảo vẫn rất phức tạp; tăng trưởng kinh tế trong nước còn chậm; yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và gay gắt hơn... Đối với tỉnh ta, bên cạnh thuận lợi cũng còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị để thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2015. Tôi xin nhấn mạnh một số định hướng và giải pháp sau:

Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, chúng ta phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động đạt và vượt công suất; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho nhà đầu tư triển khai Dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất; dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong quý I/2016, dự án bột giấy và một số dự án khác. Đây là những dự án rất quan trọng cho phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn mới.

Song song với các công việc trên, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ Dự án khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu hút dự án đưa khí vào bờ; rà soát, đánh giá, khắc phục tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả trong Khu Công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú, Khu Kinh tế Dung Quất; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 24, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh và một số dự án khác…

Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, tiến hành khảo sát, đánh giá đúng thực trạng nông nghiệp, nông thôn, nông dân của tỉnh; cần đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng nông nghiệp; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa bàn, có giá trị cao và đầu ra ổn định; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng nông sản; chú trọng công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch và an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 67 của Chính phủ về phát triển thủy sản, tăng cường đầu tư và thu hút đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá...   

Về phát triển kinh tế ở khu vực miền núi, huyện đảo, chúng ta rà soát, đánh giá hiệu quả các Chương trình 134, 135; Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn các huyện miền núi để có kế hoạch thực hiện tốt các chương trình trong năm 2015; chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức tự giác, tự lực của đồng bào trong lao động, sản xuất để giảm nghèo bền vững, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; thay đổi phương thức hỗ trợ người nghèo theo hướng giảm dần hỗ trợ trực tiếp, tăng cường hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

-P.V:  Còn trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, đồng chí muốn nhấn mạnh điều gì?

Đồng chí Lê Viết Chữ: Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh. Vì vậy, các cấp, các ngành cần triển khai ngay việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm bảo đảm việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm phải tạo được phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, huy động sức mạnh to lớn trong nhân dân để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân; gắn với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đồng thời đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Đối với giáo dục và đào tạo, cần tập trung tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Trong đó, tập trung, tạo sự đột phá trong khâu đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; nghiên cứu, thực hiện quản lý theo đầu ra dựa trên chất lượng giáo dục và đào tạo; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất ngành giáo dục, nhất là giáo dục miền núi; đồng thời chấn chỉnh tình trạng bố trí giáo viên thiếu hợp lý...

Trong lĩnh vực y tế,  tiếp tục nâng cao y đức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ; đầu tư trang thiết bị y tế và phát triển dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi và một số bệnh viện tuyến huyện, đáp ứng yêu cầu phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân; rà soát, tiếp tục thu hút bác sĩ, dược sĩ về công tác tại các cơ sở y tế còn thiếu...

Về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, sẽ đổi mới đào tạo nghề theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp tự đào tạo gắn với sử dụng lao động ổn định. Khắc phục tình trạng đào tạo nhưng không sử dụng được. Tăng cường công tác giải quyết việc làm mới, hạn chế tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm; hướng dẫn, khuyến khích nông dân tự tạo việc làm nâng cao thu nhập, giảm thời gian nhàn rỗi ở nông thôn; thực hiện tổng điều tra hộ nghèo, phân loại, làm rõ các nguyên nhân nghèo, từ đó đề ra các nhóm giải pháp giảm nghèo hữu hiệu, bền vững; có giải pháp chuyển đổi cơ cấu lao động từng bước phù hợp với cơ cấu kinh tế...

-P.V:  Xin cảm ơn đồng chí!


THANH TOÀN
(thực hiện)


 


.