Ông Lê Mỹ Liên- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chính sách đền bù, hỗ trợ sẽ thông thoáng và có lợi cho dân

02:10, 26/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2009 đến 2013, trên địa bàn Quảng Ngãi đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ trên 800 dự án và di chuyển, tái định cư trên hai vạn hộ dân... Ông Lê Mỹ Liên – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết rõ hơn khó khăn, vướng mắc và bài học kinh nghiệm trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BT, HT, TĐC) thời gian qua và một số nét mới trong quy định về BT, HT khi Nhà nước thu hồi đất…

-P.V: Ông cho biết vài kết quả về công tác BT, HT, TĐC trên địa bàn tỉnh trong 4 năm qua?

Ông LÊ MỸ LIÊN: Theo số liệu tổng hợp từ các huyện, thành phố, từ năm 2009 - 2013, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện BT, GPMB phục vụ 810 dự án. Tổng diện tích đất phải thu hồi gần 7.000ha. Có trên 47.000 hộ gia đình và 690 tổ chức bị ảnh hưởng từ việc GPMB. Toàn tỉnh thực hiện 28 dự án TĐC và giải quyết an sinh xã hội, quy hoạch xây dựng 3.601 lô đất TĐC và quy hoạch xây dựng 20 nghĩa địa, thực hiện di dời trên 35.000 mồ mả...
Có thể nói, dù còn khó khăn nhưng trong những năm qua UBND tỉnh và các địa phương đã cố gắng bố trí kinh phí đầu tư, xây dựng các khu TĐC bảo đảm phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt của nhân dân.

-P.V: Theo ông, đâu là những khó khăn khi thực hiện  BT, HT?

Ông LÊ MỸ LIÊN: Quá trình thực hiện các công tác trên luôn gặp những khó khăn sau: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đất đai ban hành không đồng bộ; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung gây lúng túng trong tổ chức thực hiện. Người dân có tư tưởng chờ điều chỉnh chủ trương. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhà cửa một thời gian dài bị buông lỏng. Nhiều trường hợp đất không có hồ sơ hoặc có thì giữa hồ sơ đất và ngoài thực địa khác nhau nên khi lập hồ sơ BT, HT gặp nhiều khó khăn, không chính xác, gây khiếu kiện. Tổ chức làm nhiệm vụ BT, HT và TĐC của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Công tác vận động tuyên truyền hiệu quả còn thấp...  

-P.V: Từ chuyện đã qua, chúng ta đã có những kinh nghiệm gì trong quá trình thực hiện GPMB phục vụ các dự án thời gian đến, thưa ông?

Ông LÊ MỸ LIÊN: Theo tôi, trước tiên phải xác định rõ thu hồi đất, BT, TĐC và GPMB là khâu quyết định tiến độ thực hiện dự án. Do đó, cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật để người có đất bị thu hồi nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình, tích cực phối hợp thực hiện.

Về cơ chế, chính sách bồi thường phải áp dụng thống nhất cho toàn tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế, đúng pháp luật và ổn định trong một thời gian nhất định. Đối với công tác xây dựng khu TĐC phải đi trước một bước. Phải tổ chức công khai quy hoạch để các hộ dân dự kiến bố trí TĐC biết trước, tạo sự đồng thuận trước khi xây dựng. Đồng thời đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu TĐC. Công tác TĐC phải gắn với tái định canh và giải quyết việc làm.

Công tác điều tra khảo sát, xác định chính xác diện tích, nguồn gốc đất, cấp nhà, số lượng cây cối, vật kiến trúc là khâu hết sức quan trọng trong công tác BT, HT, TĐC. Vì vậy đòi hỏi người thực thi nhiệm vụ phải công tâm, tỉ mỉ, chính xác, không làm ảnh hưởng tới dư luận xã hội và không gây bức xúc cho người có đất bị thu hồi. Cần thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công khai phương án BT, HT, TĐC; đặc biệt là trình tự, thủ tục về thu hồi đất và giao đất đảm bảo theo quy định pháp luật để nhân dân tin tưởng, thực hiện.

UBND các xã phải tập trung giải quyết ngay từ đầu các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền và cần củng cố chặt chẽ hồ sơ, cung cấp đầy đủ hồ sơ đối tượng chống đối cho UBND cấp huyện để nghiên cứu trước khi tổ chức bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế thu hồi đất nhằm chủ động xây dựng phương án xử lý trong quá trình thực hiện...

-P.V: Ông có đề cập là chính sách mới về BT, HT khi Nhà nước thu hồi đất sẽ thông thoáng và có lợi cho dân, cụ thể như thế nào?

Ông LÊ MỸ LIÊN: Sở TN-MT đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013, đã quy định rất rõ một số vấn đề như: Nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất kinh doanh; chi phí đầu tư vào đất; chính sách hỗ trợ; tái định cư...

Nhìn chung, những quy định này cụ thể, chi tiết, đảm bảo yếu tố pháp lý nhưng thông thoáng và dễ thực hiện hơn so với các quy định trước đây. Tôi xin nêu một vài điểm mới như: Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định mà chưa được cấp; đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người, trước đây không quy định còn hiện nay được BT, HT và TĐC. Khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

Trước đây UBND tỉnh thu hồi đất của tổ chức còn UBND cấp huyện, thành phố thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân, nhưng với quy định mới thì có thể UBND tỉnh thu hồi hoặc ủy quyền cho UBND huyện thu hồi đất của cả tổ chức lẫn cá nhân trong cùng một khu vực thu hồi đất. Việc bồi thường trước đây áp dụng theo khung giá đất do UBND tỉnh ban hành hằng năm, nay giá đất để tính bồi thường theo giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định thu hồi đất cho từng dự án...


THANH TOÀN (thực hiện)
 


.