Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ gây nhiễm bệnh Ebola

02:10, 17/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, bệnh Ebola (còn gọi là sốt xuất huyết Ebola) đang diễn biến phức tạp ở một số nước trên thế giới và nguy cơ lây nhiễm ra phạm vi toàn cầu là rất lớn. Để hiểu rõ nguyên nhân lây nhiễm và biện pháp phòng, chống căn bệnh này, PV.Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Trịnh Quang Vương- Giám đốc Trung tâm Truyền thông- giáo dục sức khoẻ (Sở Y tế Quảng Ngãi)

-PV: Xin bác sĩ cho biết đôi nét về bệnh Ebola đang diễn biến phức tạp hiện nay trên thế giới?

Bác sĩ TRỊNH QUANG VƯƠNG: Bệnh Ebola là một bệnh nhiễm trùng nặng, diễn biến bệnh nhanh có thể  tử vong trong vòng 15 ngày, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90%. Bệnh này lần đầu tiên xuất hiện ở Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) vào năm 1976 và tên của căn bệnh này được đặt theo tên con sông gần khu vực đầu tiên phát hiện loại virus này. Nguồn gốc gây bệnh được cho là từ loài dơi ăn quả và linh trưởng nhiễm vius Ebola. Ngoài ra còn có ở tinh tinh, khỉ đột, khỉ, linh dương rừng và nhím.

Vi rút Ebola là một trong ba giống thuộc họ Filoviridae family (filovirus), cùng với Marburgvirus và Cuevavirus. Ebolavirus, bao gồm 5 chủng là: Zaire ebolavirus (EBOV); Sudan ebolavirus (SUDV); Bundibugyo ebolavirus (BDBV); Taï Forest ebolavirus (TAFV); Reston ebolavirus (RESTV). Trong đó, vi rút BDBV, EBOV và SUDV đã từng gây dịch lớn tại châu Phi, trong khi RESTV và TAFV chưa từng gây dịch.

Ebola xuất hiện trên người thông qua tiếp xúc gần gũi với máu, dịch tiết, phủ tạng hoặc các dịch cơ thể khác của động vật bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh lây truyền sang người lành bằng tiếp xúc trực tiếp (qua vết thương hở trên da hoặc niêm mạc) với máu, dịch tiết, phủ tạng hoặc các dịch cơ thể khác (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người bị nhiễm bệnh và qua tiếp xúc gián tiếp với môi trường bị ô nhiễm những loại dịch này hoặc do vận chuyển các động vật bị bệnh. Nam giới đã khỏi bệnh vẫn có thể lây truyền vi rút qua tinh dịch trong 7 tuần sau khi bình phục.

-PV: Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh và triệu chứng của bệnh biểu hiện thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ TRỊNH QUANG VƯƠNG: Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, gồm: Thợ săn, người sống trong rừng có tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết (tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương, nhím, dơi ăn quả…). Thành viên gia đình hoặc những người có tiếp xúc gần với người bị bệnh.  Nhân viên lễ tang, người có tiếp xúc trực tiếp với thi thể bệnh nhân. Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Phụ nữ cho con bú: vi rút Ebola có thể truyền qua đường sữa mẹ.

Thời gian ủ bệnh trung bình là 2-21 ngày. Các triệu chứng thường gặp, bao gồm: Sốt cấp tính; đau đầu, đau mỏi cơ; nôn/buồn nôn; tiêu chảy; đau bụng; viêm kết mạc. Phát ban, lúc đầu ban nhú đỏ sẫm màu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh. Biểu hiện của xuất huyết có thể gặp: Đi ngoài phân đen; chảy máu nơi tiêm truyền; ho ra  máu; chảy máu chân răng; tiểu ra máu; chảy máu âm đạo.

-PV: Vậy làm gì để giảm nguy cơ nhiễm Ebola trên người, thưa bác sĩ?

Bác sĩ TRỊNH QUANG VƯƠNG: Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng và cấp cứu khi bệnh có diễn biến nặng. Do đó, việc nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ gây nhiễm Ebola và các biện pháp bảo vệ cá nhân là cách duy nhất để giảm nhiễm bệnh và tử vong ở người. Các sản phẩm từ động vật (máu và thịt) cần được nấu kỹ trước khi ăn. Hạn chế việc mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật hoang dã. Tránh tiếp xúc cơ thể gần với bệnh nhân Ebola. Mang găng tay và trang thiết bị bảo vệ cá nhân thích hợp khi chăm sóc cho người bệnh tại nhà. Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi thăm khám cũng như sau khi chăm sóc người bệnh. Hạn chế đến nơi đang có dịch, nếu phải đi thì tìm hiểu thông tin tình hình dịch bệnh Ebola tại nơi đến để có biện pháp phòng lây nhiễm cho bản thân. Những người trở về từ các quốc gia Tây Phi, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban thì phải nhập viện để theo dõi.

Về vấn đề điều trị, Bộ Y tế đã đưa ra những cơ sở y tế để thu dung, điều trị bệnh nhân. Trong thời điểm nếu như rất ít bệnh nhân, có thể vào một số những cơ sở đặc biệt, nơi có phương tiện cách ly tốt và có kinh nghiệm điều trị. Cụ thể là, tại Hà Nội: Bệnh viện các bệnh nhiệt đới; miền Trung: Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Khánh Hòa; miền Nam: Bệnh viện các bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế triển khai Công văn 6925 ngày 3.10.2014 của Bộ Y tế về tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Ebola và Công văn số 19 ngày 3.10.2014 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm.

-PV: Xin cảm ơn bác sĩ!


Phú Đức (thực hiện)
 


.