Tập trung "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục" Sơn Tây

09:09, 15/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 20 năm tái lập, huyện Sơn Tây đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có sự đóng góp tích cực của ngành giáo dục huyện nhà. Nhân dịp  tròn 20 năm ngày thành lập Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây (12.9.1994 - 12.9.2014) phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Thạnh– Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

-PV: Thành tựu của giáo dục Sơn Tây trong 20 năm qua là rất đáng trân trọng. Theo ông, có được kết quả ấy là nhờ đâu?

Ông LÊ HOÀI THẠNH: Từ ngày thành lập đơn vị (12.9.1994) đến nay, Phòng GD&ĐT Sơn Tây đã từng bước ổn định, phát triển và trưởng thành. Vượt qua khó khăn, ngành giáo dục đã mang “cái chữ” đến với đồng bào các dân tộc ít người vùng cao Sơn Tây. Đạt được những thành tựu ấy theo tôi có các yếu tố sau: Thứ nhất là sự lãnh đạo đồng bộ của cả hệ thống chính trị với quyết tâm: Giáo dục phải đi trước một bước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, vì có nhiều thành tích trong công tác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, vì có nhiều thành tích trong công tác.


Thứ 2 là sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh đối với việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển giáo dục nói riêng cho khu vực miền núi và dân tộc ít người. Thứ 3 là sự năng động, sáng tạo trong việc đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục cho vùng đặc thù và kế hoạch thực hiện các giải pháp tình thế một cách quyết liệt và tập trung. Và điều đặc biệt quan trọng là đội ngũ lãnh đạo, quản lý và giáo viên huyện nhà đã vượt qua những khó khăn, thách thức để bám trụ địa bàn, thực hiện sứ mệnh gieo chữ.

-PV: Dẫu có một “thành trì” khá vững chắc, song giáo dục Sơn Tây khó tránh khỏi những khó khăn. Ông có thể nói rõ về những khó khăn ấy?

Ông LÊ HOÀI THẠNH: Miền núi nói chung và giáo dục nói riêng mãi là bài toán khó cho sự phát triển vì những đặc thù vùng miền. Hiện nay, chúng tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là một bộ phận dân cư chưa chú trọng đến giáo dục nên “khoán trắng” cho nhà trường. Hiện tượng học sinh bỏ học và đi học theo kiểu “giã gạo” vẫn còn tồn tại. Tình trạng: “Thầy tìm trò để dạy”; một hội đồng 2 nhiệm vụ tức là vừa giảng dạy, vừa tuyên truyền vận động học sinh ra lớp để duy trì sĩ số học sinh vẫn diễn ra.

Hơn nữa, dù đã được tăng cường cơ sở vật chất một cách thường xuyên nhưng vẫn chưa đảm bảo tỷ lệ phòng học để đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Việc chuyển đổi các trường phổ thông thành các trường phổ thông dân tộc bán trú chưa thực hiện theo kế hoạch vì thiếu phòng học, nhà bán trú, nhà ăn, nhà bếp cho học sinh và các công trình phụ trợ khác. Việc xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” vẫn còn gặp khó khăn vì phần lớn các trường chưa có tường rào và cổng ngõ, nhà hiệu bộ, phòng bộ môn để thực hiện đảm bảo nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tuy đã được ổn định về số lượng nhưng chất lượng vẫn chưa đồng đều. Hơn nữa, do việc thuyên chuyển cán bộ hàng năm về đồng bằng nên cũng làm cho đơn vị có hiện tượng “chảy máu chất xám”. Một bộ phận cán bộ quản lý trưởng thành và giáo viên có tay nghề cao đã bồi dưỡng khi thuyên chuyển công tác gây cho đơn vị sự hụt hẫng về nguồn nhân lực tại chỗ. Việc xã hội hóa công tác giáo dục trên địa bàn vẫn còn khó khăn, nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

-PV: So với mục tiêu của giáo dục Sơn Tây những ngày đầu tái lập huyện thì mục tiêu mới của ngành giáo dục Sơn Tây thời kỳ đổi mới là gì, thưa ông?

Ông LÊ HOÀI THẠNH: Mục tiêu của giáo dục Sơn Tây từ những ngày tái lập huyện là: Giáo dục phải đi trước một bước trong đó ưu tiên việc huy động tối đa sĩ số học sinh trong độ tuổi đến lớp và đặc biệt người từ 15-35 tuổi đi học để xóa mù chữ. Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới, mục tiêu là “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”. Phải tập trung phổ cập mẫu giáo 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1 đi đôi với việc mở rộng mạng lưới nhà trẻ và trẻ 3-4 tuổi cùng ra lớp mẫu giáo. Trong đó, chú trọng việc dạy 2 buổi/ngày cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi kết hợp tổ chức bán trú để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Tăng cường việc dạy tập nói Tiếng Việt cho các cháu mẫu giáo để có vốn Tiếng Việt khi vào học lớp 1 (toàn huyện có hơn 95% trẻ em là dân tộc ít người). Chú trọng việc huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp và giữ vững sĩ số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; tiếp tục tăng cường kỹ năng: Nghe – nói – đọc – viết cho học sinh dân tộc để tháo gỡ rào cản ngôn ngữ, giúp các em có điều kiện tiếp thu kiến thức các cấp học sau này.
                             

  THANH NHỊ
(thực hiện)
 


.