Học giả quốc tế đã có góc nhìn mới về tư liệu pháp lý của chúng ta

09:07, 11/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước đây, một số học giả nước ngoài cho rằng, các bản đồ, tư liệu liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo được đưa ra trưng cầu tại các tòa án quốc tế không có giá trị pháp lý cao lắm. Tuy nhiên, với những tư liệu mà Việt Nam có được về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã làm cho nhiều học giả phải thay đổi cách tiếp cận của mình. PV. Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng, người có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về  Hoàng Sa, Trường Sa.  

*PV: Là người trực tiếp tham gia sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, ông có thể cho biết, những tư liệu chúng ta sưu tập được có ý nghĩa như thế nào trong việc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc?

*TS. TRẦN ĐỨC ANH SƠN: Việc một số học giả nước ngoài cho rằng, các tư liệu bản đồ và các sử liệu lịch sử đưa ra tại Tòa án Quốc tế trong tố tụng thì không có giá trị pháp lý cao lắm, trong những trường hợp đặc biệt thì người ta mới dùng những tài liệu này xem như là những phụ lục, đó chỉ là quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, chúng tôi giải thích rằng, việc chúng ta sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật những nguồn sử liệu cổ của Việt Nam, Trung Quốc và các nước phương Tây và công bố để cho người dân Việt Nam biết và hiểu về lịch sử khai phá, xác lập thực thi và bảo vệ chủ quyền, là cả một quá trình hy sinh xương máu của nhiều thế hệ  người Việt trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia suốt hàng trăm năm qua.

Cùng với đó, chúng tôi còn công khai giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm những tư liệu sưu tập được là có giá trị lịch sử và pháp lý rất rõ ràng, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, đây là các tài liệu nhà nước các thời kỳ chính thức ban hành, có đầy đủ trách nhiệm của nhà nước đối với quyền và chủ quyền đối với những vùng biển, đảo trong phạm vi chủ quyền quốc gia. Việc nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu lịch sử của chúng tôi là đáp lại việc tuyên truyền dối trá của Trung Quốc và giải thích cho thế giới thấy rõ rằng, Việt Nam có cơ sở, có các tài liệu lịch sử, các văn bản pháp lý về chủ quyền tại quần đảo  Hoàng Sa và Trường Sa.

Vì thế, một số học giả có quan điểm trái ngược trước đây nay đã có cách nhìn mới theo chiều hướng có lợi cho chúng ta. Nhiều học giả đã không ngờ rằng, chúng ta đã sưu tập được một bộ tư liệu lịch sử quá đồ sộ, là những tư liệu có giá trị đặc biệt. Những tư liệu này sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình tranh tụng, nếu như Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra các tòa án có liên quan để bảo vệ chủ quyền.

* PV: Ông đánh giá thế nào về việc tìm kiếm, sưu tầm, nghiên cứu những tư liệu lịch sử và pháp lý của chúng ta đối với việc khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam?

*TS. TRẦN ĐỨC ANH SƠN:  Hiện nay, những tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rất nhiều ở Việt Nam. Nó nằm trong các Viện nghiên cứu, thư viện của Nhà nước, các nhà sách tư nhân và các nơi bảo quản truyền thống như các đình làng, nhà thờ họ, các tộc họ, nhất là khu vực miền Trung và có rất nhiều tư liệu trên thế giới. Năm 2013, chúng tôi đã đi qua 11 quốc gia và đã phát hiện rất nhiều tư liệu về chủ quyền Việt Nam tại các văn khố ở các nước Nhật Bản, Pháp, Đức, Hà Lan, Mỹ… nhưng chúng ta đang gặp một khó khăn đó là chỉ tìm kiếm riêng lẻ của các nhà nghiên cứu. Nhà nước chưa có một chương trình, hoặc sự hỗ trợ kinh phí để các nhà nghiên cứu đi tìm kiếm, sưu tầm, tập hợp được nhiều hơn. Vì vậy, Nhà nước cần xúc tiến chương trình này ngay. Thời gian qua, các quốc gia trên thế giới đã tận tình giúp đỡ và cho chúng ta nhiều thông tin quý, tiếp cận các nguồn tài liệu này.

Hơn nữa, khi những tư liệu được đem về thì Nhà nước cần có một hội đồng quốc gia tổ chức đọc, thẩm định cẩn thận. Cái nào chính xác thì chúng ta dùng, cái nào còn mơ hồ thì chúng ta tiếp tục nghiên cứu. Quan điểm của chúng tôi là ta nên dùng tài liệu gốc. Chúng ta cần phải nghiên cứu một cách có hệ thống, thống nhất, rõ ràng, khi công bố ra bên ngoài mới mang lại hiệu quả cao.

*PV: Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ quyền phi lý và những hoạt động phi pháp của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ông, chúng ta cần làm gì để chống lại sự ngang ngược đó của Trung Quốc?

*TS. TRẦN ĐỨC ANH SƠN:  Theo các tài liệu của phía Trung Quốc mà chúng tôi đọc được liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, thì Trung Quốc có một tham vọng là ngoài giải quyết nguồn năng lượng ngoài biển, còn có chiến lược gọi là “tằm thực”, nghĩa là lấn dần lãnh thổ các quốc gia láng giềng để biến thành của họ và họ không bao giờ dừng lại. Theo tôi, đi đôi với việc đấu tranh bằng ngoại giao, chúng ta cần chuẩn bị và tính đến các biện pháp pháp lý, đó là khởi kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế. Nếu Trung Quốc phớt lờ các Tòa án Quốc tế thì thế giới sẽ nhìn nhận họ khác, và vai trò của Trung Quốc cũng mất đi.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Xuân Thiên
(thực hiện)
 


.