Đồng chí Lê Viết Chữ - ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:
Đưa cuộc vận động vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực hơn

01:02, 07/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với cả nước, 4 năm qua Quảng Ngãi đã hưởng ứng và tích cực triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng chí Lê Viết Chữ - Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh cho biết một số thông tin về kết quả thực hiện năm 2013 và kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động năm 2014.
          
*P.V: Đồng chí cho biết đôi nét về sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và kết quả thực hiện Cuộc vận động năm 2013?

*Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Năm 2013, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, sức tiêu thụ giảm. Trước tình hình đó, tỉnh  đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách ưu đãi như bảo lãnh vay vốn có điều kiện tại ngân hàng thương mại; được miễn, giảm, gia hạn thuế; thực hiện hỗ trợ thị trường, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề…Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ trong tỉnh có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; xây dựng thương hiệu; mở rộng thị trường, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm nhằm tiếp cận với người tiêu dùng… Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong tỉnh cũng đang chuyển xu hướng chọn mua những mặt hàng sản xuất trong nước cùng loại hàng ngoại nhập có chất lượng tương đương nhưng giá cả hợp lý hơn… Đây là những thuận lợi hết sức cơ bản để đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh ta.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với Mặt trận, các hội, đoàn thể các cấp trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch; tổ chức lồng ghép vào các phong trào thi đua, các chương trình phối hợp, các cuộc vận động… đặc biệt là lồng ghép vào nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” để tạo sự đa dạng, phong phú; tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người lao động, hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện Cuộc vận động, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong mua sắm công và tiêu dùng cá nhân.

Các cơ quan chức năng trong tỉnh đã phối hợp tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động bán hàng Việt khuyến mại, đưa hàng Việt về nông thôn, thực hiện bình ổn giá nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ - 2013, tham gia nhiều hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm do các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi sản xuất đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Cuộc vận động đã được Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng nên kết quả không chỉ dừng lại ở nhận thức mà còn thể hiện qua hành động của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt Nam.

*P.V: Theo đồng chí, còn những hạn chế nào cần sớm khắc phục để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động đạt kết quả cao hơn trong những năm đến?

*Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ:  Bên cạnh những kết quả nêu trên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện Cuộc vận động. Đó là, công tác quản lý thị trường có mặt còn hạn chế. Hàng giả, gian lận trong thương mại xảy ra nhiều nơi. Có trường hợp lợi dụng việc thực hiện Cuộc vận động để sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ làm ảnh hưởng đến lòng tin và sự lựa chọn của nhân dân trong mua sắm tiêu dùng. Hệ thống phân phối hàng hoá Việt Nam tuy có mở rộng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nhất là việc đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Một số mặt hàng Việt có giá cả chưa phù hợp với chất lượng...

*P.V: Nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện Cuộc vận động năm 2014?

*Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ:  Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể trong tỉnh, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Cuộc vận động theo tinh thần Thông báo Kết luận 264 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 66 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh về tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hoá sản xuất trong nước; phát triển hệ thống phân phối hàng hoá tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để thường xuyên đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; kiểm tra, ngăn chặn hàng hoá kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại.

Đối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh, tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động, liên kết chặt chẽ với nhau, chủ động phối hợp, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng chiến lược quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối, đưa hàng hoá thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, các cơ quan thông tin đại chúng cần phối hợp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích thiết thực khi mua sắm, tiêu dùng hàng Việt; nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình trong Cuộc vận động; phê phán, lên án những biểu hiện lợi dụng Cuộc vận động để sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm hàng hoá kém chất lượng; đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng...

THANH TOÀN (thực hiện)
 


.