Hướng hoạt động VHNT vào việc xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện

03:01, 07/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, hòa nhịp cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quê hương, đất nước, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Quảng Ngãi không ngừng sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật và gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhân Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2013-2018), PV.Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Văn Sơn - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh xung quanh những kết quả đạt được trong 5 năm qua.

PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả mà Hội VHNT tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua?

Đồng chí LÊ VĂN SƠN: Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và lời dạy của Hồ Chủ tịch: “VHNT cũng là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, Hội đã chú trọng việc quán triệt đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hội viên. Hội  bám sát định hướng truyên truyền của Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đồng thời hướng dẫn, gợi ý cho hội viên các chủ đề sáng tác như: Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng nông thôn mới, kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không…

Hội đã tham mưu củng cố lại Ban Biên tập và bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Sông Trà. Nhiều tác phẩm VHNT của các hội viên đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi trong khu vực, quốc gia và quốc tế. Có 11 hội viên đoạt giải thưởng về cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương và tỉnh phát động, trong đó đạt 2 giải C toàn quốc.  

Tổ chức và tạo điều kiện cho hội viên tham gia 23 trại sáng tác, đi thực tế sáng tác; trong đó có 3 trại sáng tác của Trung ương với 250 lượt hội viên tham dự. Hằng năm đều mời những nghệ sĩ có uy tín đến Quảng Ngãi phụ trách các trại sáng tác, tiêu biểu như: Nhà văn Đỗ Kim Cuông - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; Phó Giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ Thế Bảo… Sau những trại sáng tác này, chất lượng tác phẩm của hội viên đã có những chuyển biến đáng khích lệ.

Hội viên Chi hội Văn nghệ Dân gian và Chi hội Văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số còn chủ trì, hoặc tham gia nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc miền núi và tỉnh Quảng Ngãi.

Tổ chức dàn dựng và biểu diễn gần 20 chương trình nghệ thuật; trong đó có những chương trình được tổ chức đều đặn hằng năm, thu hút sự quan tâm theo dõi của công chúng. Cụ thể là, tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Tiêu hằng năm. Từ năm 2010 đến nay đều tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam với các chủ đề như: “Âm Nhạc đồng hành cùng đất nước”; “Biển đảo nghìn trùng Tổ quốc ta”; “Hát trên quê hương Hải đội Hoàng Sa”… Đăng cai Liên hoan Âm nhạc các tỉnh khu vực phía Nam từ Đà Nẵng đến TP.Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3.2013. Đây là sự kiện âm nhạc lớn lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ngãi.

Trao bằng khen cho các tác giả đoạt giải tại Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Nam năm 2013 tại Quảng Ngãi.
Trao bằng khen cho các tác giả đoạt giải tại Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Nam năm 2013 tại Quảng Ngãi.


Tổ chức nhiều hoạt động triển lãm với nhiều chủ đề phong phú, khơi dậy cho hội viên tích cực sáng tạo ra những tác phẩm mới có giá trị nghệ thuật và đạt chất lượng cao cả về nội dung lẫn tư tưởng. Từ những cuộc thi sáng tác này, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật có chất lượng cao được giới thiệu với công chúng và đoạt nhiều giải thưởng. Xét hỗ trợ quảng bá tác phẩm cho 288 lượt hội viên với 617 tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong đó tác phẩm văn học, nghiên cứu, phê bình, văn nghệ dân gian: 83 tác phẩm; mỹ thuật gần 150 tác phẩm; âm nhạc: 29 anbum nhạc và tập nhạc với gần 300 ca khúc và hợp xướng; nhiếp ảnh: 400 tác phẩm.

Trong 5 năm qua, cơ quan Hội luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hằng năm đều nhận được Bằng khen của UBND tỉnh và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Riêng năm 2012 đã được UBND tỉnh tặng cờ Đơn vị đạt thành tích xuất sắc.

PV: Vậy đâu là những hạn chế của hội trong nhiệm kỳ qua?

Đồng chí LÊ VĂN SƠN: Chất lượng hoạt động của hội viên chưa đều. Còn khoảng 17,4% số hội viên gần như không, hoặc ít tham gia vào các hoạt động VHNT thường xuyên. Mảng văn xuôi; mảng lý luận phê bình còn yếu nên cần khắc phục. Hoạt động hỗ trợ quảng bá tác phẩm còn dàn trải, chưa thật sự chú trọng tới chất lượng tác phẩm; chưa có kinh phí hỗ trợ cho hội viên trong việc nghiên cứu sưu tầm. Việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động VHNT theo chủ trương của UBND tỉnh tuy được tổ chức nhưng kết quả chưa cao. BCH Hội còn lúng túng trong việc tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, các ngành chức năng trong công tác xây dựng đề án, chính sách, giải pháp phát triển VHNT của tỉnh. BCH, Thường trực Hội thiếu chủ động, lúng túng trong công tác tham mưu về công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ quản lý của Hội.

PV: Để khắc phục những tồn tại trên, trong nhiệm kỳ đến Hội cần phải thực hiện những vấn đề gì?

Đồng chí LÊ VĂN SƠN: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ5, khóa VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới"…; động viên, khơi dậy tinh thần sáng tạo VHNT của hội viên và văn nghệ sĩ theo hướng phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

 Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh  theo hướng toàn diện về số lượng, chất lượng, cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao tinh thần đoàn kết, có năng lực sáng tạo, có tình yêu quê hương, đất nước, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Hướng mọi hoạt động VHNT vào việc xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện về tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với hình thành nhân cách con người. Đẩy mạnh việc kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; trong đó, chú ý kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, chủ động hội nhập, giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên lĩnh vực VHNT. Đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Hội. Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng đề án, chính sách đào tạo tài năng VHNT; xây dựng cơ chế, chính sách và điều kiện vật chất nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ để có những tác phẩm đạt giá trị cao.

Phú Đức
(thực hiện)
 


.