Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng: Phải đảm bảo đúng đối tượng

03:07, 25/07/2013
.

(QNg)- Cùng với cả nước, Quảng Ngãi hiện đang triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng mới sửa đổi, bổ sung. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Xuân Sâm-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH xung quanh vấn đề này.

*PV: Xin ông cho biết điểm mới trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng mới được sửa đổi, bổ sung?
 
*Ông ĐINH XUÂN SÂM: Sở LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều văn bản quy định, hướng dẫn mới trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Trong đó có Pháp lệnh số 4/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Điểm mới sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau: Đối tượng công nhận liệt sĩ, bổ sung thêm 3 trường hợp; đối tượng công nhận thương binh, bổ sung 2 trường hợp; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, trước đây được hưởng trợ cấp một lần, nay chuyển sang hưởng trợ cấp hàng tháng. Thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ hàng tháng được quy định có 3 mức trợ cấp khác nhau. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sống ở gia đình được hưởng trợ cấp người phục vụ. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức độ suy giảm khả năng lao động từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận…

Đối tượng được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” được mở rộng, bổ sung: Có 2 con trở lên là liệt sĩ; có 2 người con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; có 1 con mà người con đó là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động 81% trở lên.

*PV: Theo quy định mới Quảng Ngãi có bao nhiêu người được hưởng chính sách ưu đãi?

*Ông ĐINH XUÂN SÂM: Toàn tỉnh có khoảng 12.410 người thuộc diện xem xét xác nhận, giải quyết hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2013/NĐ-CP. Trong đó, đối tượng người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đã có quyết định giải quyết hưởng trợ cấp một lần, hiện nay còn sống, chuyển hưởng trợ cấp hàng tháng khoảng 9.000 người. Đối tượng hưởng chế độ phụ cấp người phục vụ “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (khoảng 210 người). Đối tượng hưởng trợ cấp tiền tuất thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 61% trở lên chết mà trước đây không đủ điều kiện giải quyết, nay đủ điều kiện giải quyết hưởng trợ cấp tiền tuất (khoảng 200 người). Đối tượng thuộc diện xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (khoảng 3.000 người).

*PV: Vậy đâu là giải pháp để triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi đối với người có công?

*Ông ĐINH XUÂN SÂM: Cần tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác xác nhận, quản lý, thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ để nhân dân, cán bộ biết và thực hiện. Tổ chức quán triệt, tập huấn, hướng dẫn công tác xác lập hồ sơ, quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công cho cán bộ làm công tác chính sách ở các xã, phường, thị trấn để họ nắm chắc các quy định, thực hiện xác nhận và trực tiếp hướng dẫn, giúp cho người có công kê khai hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đảm bảo đúng quy trình, quy định.

Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện công tác xác nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công và công tác quản lý ở các cấp,  ngành. Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân ngay từ khâu phát hiện, xét duyệt hồ sơ tại cơ sở. Chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời những khiếu nại, vướng mắc phát sinh trong phạm vi thẩm quyền. Những vấn đề phức tạp, sai sót, nhất là tiêu cực (nếu có), phải giải quyết và xử lý nghiêm túc, kịp thời, không né tránh.


                          XUÂN HIẾU
                         
       (thực hiện)
 


.