Tây Trà không "hấp thụ" hết vốn vay ưu đãi

07:07, 26/07/2013
.

(QNg)- Trong khi các hộ nghèo, cận nghèo ở các huyện miền núi, đồng bằng cần nguồn vốn vay để phát triển kinh tế thì ở huyện Tây Trà, nguồn vốn này không "hấp thụ" hết phải trả lại cho tỉnh 2,5 tỷ đồng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Đỗ Minh Lâm.

*PV: Huyện Tây Trà được xếp trong diện nghèo nhất tỉnh và là một trong 61 huyện nghèo của cả nước nhưng vì sao nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo lại không “hấp thụ” hết, thưa ông?          

*Ông Đỗ Minh Lâm: Hằng năm, thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, huyện Tây Trà được phân bổ nguồn vốn cho vay hộ nghèo khá dồi dào. Như năm 2013, tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện phải giải ngân gần 6 tỷ đồng để hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất thấp phát triển kinh tế. Cùng với nguồn vốn ưu đãi, các chương trình hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cũng được triển khai. Đây là điều kiện tốt để người nghèo hấp thụ nguồn vốn vay chính sách để trồng trọt, chăn nuôi. Ngay từ đầu năm, huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội rà soát số hộ nghèo để triển khai nguồn vốn cho vay. Theo đó, các tổ vay vốn của ngân hàng cùng với cán bộ các hội đoàn thể đã tuyên truyền, vận động, giải thích cho người nghèo hiểu nguồn vốn ưu đãi mà mạnh dạn vay, phát triển đúng hướng để thoát nghèo.

Tuy nhiên, hộ nghèo ở huyện miền núi Tây Trà vẫn không "hấp thụ" được nguồn vốn vay chính sách. Trong tổng số gần 6 tỷ đồng thì tỉnh chỉ phân bổ trực tiếp 2 tỷ đồng, còn gần 4 tỷ đồng là số dư nợ cho vay các năm trước trên địa bàn huyện đã đến kỳ thu lại. Nguồn vốn này đáng lẽ để tiếp tục cho vay quay vòng. Thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm, hộ nghèo chỉ có nhu cầu vay gần 2,3 tỷ đồng. Số tiền còn lại quá lớn nên huyện đã tính toán điều chỉnh trả lại cho tỉnh 2,57 tỷ đồng. Còn lại khoảng hơn 1 tỷ đồng, cũng có khả năng từ nay đến cuối năm không giải ngân hết.
 
*PV: Trả lại nguồn vốn cho vay ưu đãi dường như năm nào cũng lặp lại, ông có thể cho biết nguyên nhân?


*Ông Đỗ Minh Lâm: Mặc dù, các cấp hội đoàn thể cùng với ngân hàng chính sách xã hội huyện đã nỗ lực giải thích, định hướng cho hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, nhưng hầu hết các hộ nghèo không tuân thủ các điều kiện vay. Những năm trước đây, nhiều hộ cũng vay vốn chăn nuôi nhưng không tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của các hội đoàn thể, ngành chức năng mà chăn nuôi theo tập quán thả rông, không có chuồng trại, đến mùa mưa lạnh, trâu, bò chết, dẫn đến nợ nần. Nhiều hộ thấy vậy nên  không dám tiếp cận nguồn vốn vay chính sách, bởi họ vay cũng không biết làm gì. Địa hình ở Tây Trà khắc nghiệt nên nhiều hộ cũng không mặn mà vay vốn để trồng keo. Nhiều hộ vẫn còn trông chờ ỷ lại Nhà nước hỗ trợ. Ngoài các nguyên nhân chủ quan, còn có nguyên nhân khách quan là năm nay, nhiều hộ nghèo nằm trong diện được các dự án hỗ trợ đền bù với số tiền khá lớn nên không có nhu cầu vay.

*PV: Sắp đến, huyện có kế hoạch gì để người nghèo hấp thụ được nguồn vốn chính sách, tự mình vươn lên trong cuộc sống?

*Ông Đỗ Minh Lâm: Huyện sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Trên cơ sở này, huyện tuyên truyền, vận động các hộ nghèo mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tự mình làm ăn phát triển kinh tế. Khi một hộ làm được thì sẽ có nhiều hộ làm theo... và nguồn vốn ưu đãi mới được hộ nghèo hấp thụ.

MAI HẠ (thực hiện)  
 


.