Đa dạng các hình thức truyền thông sức khoẻ cho dân

03:07, 18/07/2013
.

(QNg)- Bác sĩ Trịnh Quang Vương - Quyền GĐ Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ tỉnh đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với PV Báo Quảng Ngãi.

* PV:  Giáo dục truyền thông sức khoẻ cho người dân là một việc làm có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Vậy xin bác sĩ cho biết những kết quả mà Trung tâm đã làm được trong thời gian qua.

*Bác sĩ TRỊNH QUANG VƯƠNG: Trung tâm đã xây dựng được mạng lưới làm công tác truyền thông từ tỉnh đến huyện, xã và thôn. Tại tỉnh có Trung tâm Truyền thông và các Tổ Truyền thông (TT) của các đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh; có 7 phòng TT ở các huyện đồng bằng và 7 tổ TT ở 6 huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng truyền thông cho các tổ, phòng truyền thông, kể cả tại các xã ở các huyện. Xây dựng kế hoạch truyền thông tại địa phương, đơn vị dưới nhiều hình thức, như: Họp nhóm, thăm hộ gia đình, nói chuyện chuyên đề, tư vấn cho những người có nhu cầu. Nói chung, Trung tâm đã chủ động tuyên truyền cách phòng, chữa bệnh cho người dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để người dân dễ hiểu.

*PV: Trung tâm có những hoạt động gì để giúp người dân vùng cao, vùng sâu và ven biển, hải đảo trong tỉnh nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh?

*Bác sĩ TRỊNH QUANG VƯƠNG: Do nhận thức của người dân những nơi này có một số mặt còn hạn chế nên Trung tâm đặc biệt coi trọng việc tăng cường công tác tuyên truyền cách phòng, chống các loại dịch bệnh cho người dân, trong đó có Dự án Sốt rét toàn cầu đang được thực hiện tại một số huyện miền núi. Nội dung tuyên truyền đơn giản, nhắm đến những hành vi, thói quen mà người dân hay thực hiện có ảnh hưởng đến sức khỏe. Biên soạn một số nội dung tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh xã bằng tiếng Hrê và tiến tới bằng tiếng Cor. Tập huấn kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế tại xã.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là, các tổ truyền thông ở các huyện miền núi, hải đảo đều làm kiêm nhiệm, vì vậy không có người làm. Kinh phí cho hoạt động truyền thông các đơn vị không bố trí hoặc bố trí rất ít so với quy định (1-1,5% kinh phí hàng năm) dẫn đến các hoạt động truyền thông hiệu quả chưa cao. Khả năng truyền thông của các cán bộ truyền thông của xã, thôn còn nhiều hạn chế.

* PV: Mùa này, các loại dịch bệnh nào thường xuất hiện và bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân trong công tác phòng, ngừa các loại dịch bệnh?

*Bác sĩ TRỊNH QUANG VƯƠNG: Từ nay đến cuối năm, một số loại dịch bệnh có thể xảy ra mà người dân cần phải lưu ý là: Sốt xuất huyết (SXH); tiêu chảy cấp; cảm cúm; tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em.  


Do đó, người dân cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân, đặc biệt là đối với trẻ em. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đã dùng thuốc hạ sốt đúng theo hướng dẫn mà không giảm; xung quanh nhà có những người bị bệnh tương tự hoặc mới đi từ vùng đang xảy ra bệnh SXH thì hãy nghĩ ngay mình bị SXH và nên đến ngay cơ sở y tế. Để phòng ngừa bệnh SXH là không để cho muỗi đốt. Diệt muỗi bằng cách phá bỏ những nơi, dụng cụ đọng nước, chứa nước quanh nhà, trong nhà. Với phương châm không có loăng quăng là không có SXH.

Khi có biểu hiện đi tiêu trên 3 lần trong một ngày, phân toàn nước hoặc nôn mửa nhiều kèm theo thức ăn hãy nghĩ tới mình bị tiêu chảy cấp nên phải đi khám ngay, nếu không rất nguy hiểm đến sức khoẻ, đặc biệt là trẻ em. Phòng bệnh bằng cách ăn chín, uống nước đã được đun sôi hoặc đã được tiệt trùng. Rửa tay trước khi ăn, cho trẻ ăn, trẻ bú, sau khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh cho trẻ. Thường xuyên rửa đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn. Tiêu diệt ruồi, gián. Không phóng uế bừa bãi. Phân của trẻ phải được thu gom và đổ vào nhà vệ sinh. Chọn mua các loại thực phẩm còn tươi, rõ nguồn gốc. Rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn. Bảo quản không để ruồi, gián đậu vào thức ăn. Thức ăn để qua 2 giờ phải nấu lại trước khi ăn. Tăng cường công tác quản lý trẻ của gia đình, nhà trường; tập bơi cho trẻ.

*PV: Xin cảm ơn bác sĩ!


PV (thực hiện)
 


.