Cho vay nhà ở xã hội ở Quảng Ngãi: Cung khó gặp cầu

01:07, 10/07/2013
.

(QNg)- Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội từ nguồn tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng đã được triển khai từ ngày 1/6/2013. Hơn 1 tháng qua, gói tín dụng này thực hiện ở Quảng Ngãi nhưng vẫn "án binh bất động", bởi cung chưa gặp được cầu. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Luyện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi.

 PV: Ông có thể khái quát về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội?

Ông TRẦN LUYỆN: Theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN và Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng được vay là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ; doanh nghiệp (DN) là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội; chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Điều kiện được vay đối với DN có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; có mục đích vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh từ ngày 7/1/2013 (không bao gồm chi phí thuế) để thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

Đối với người thuê, mua nhà ở (hộ gia đình, cá nhân), phải đáp ứng đủ điều kiện nhà ở diện tích nhỏ hơn 70m2, và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cá nhân phải có 20% tổng vốn vay. Đối tượng cá nhân được vay, gồm: cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân; người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, DN thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định; người lao động tự do, kinh doanh cá thể. Với điều kiện là phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở; đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên; đã có hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật, ký kết sau ngày 7/1/2013…
 

Lãi suất vay chỉ 6%/năm



Lãi suất hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội năm 2013 là 6%/năm, sau đó cứ vào tháng 10 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lại lãi suất cho vay những năm tiếp theo nhưng không quá 6%/năm. Thời gian áp dụng lãi suất 10 năm đối với cá nhân vay để thuê, mua nhà ở xã hội; đối với doanh nghiệp là 5 năm nhưng không quá ngày 1/6/2023.

PV: Sau hơn một tháng Thông tư số 11 có hiệu lực, gói tín dụng này được triển khai ở Quảng Ngãi thế nào?

Ông TRẦN LUYỆN: Sau khi có chủ trương triển khai gói tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẵn sàng thực hiện gói hỗ trợ này. Các ngân hàng phải tạo mọi điều kiện để khách hàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Tuy nhiên, sau hơn một tháng triển khai đến nay vẫn chưa có khách hàng. Phía các ngân hàng đã chủ động rà soát, tìm hiểu thông tin về các dự án bất động sản triển khai trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn chưa khách hàng nào có ý định vay gói tín dụng ưu đãi. Nguyên nhân chủ yếu là mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn Quảng Ngãi khá lớn nhưng chưa có nhà ở xã hội, còn nhà ở thương mại thì chủ dự án chưa chuyển công năng qua nhà ở xã hội, bởi vì giá thành quá cao. Cũng trong thời gian này, chưa có DN xây dựng nào có nhu cầu vay vốn ưu đãi.

PV: Vậy, theo nhận định của ông thì với Quảng Ngãi gói hỗ trợ này có khả thi không?

Ông TRẦN LUYỆN: Theo tôi, tính khả thi không cao. Bởi, khái niệm người có thu nhập thấp ở Quảng Ngãi chủ yếu là công nhân có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, thuộc đối tượng cho vay hỗ trợ nhà ở thì mua căn hộ diện tích 70m2, giá bán 15 triệu đồng/m2, thì giá thành căn hộ lên tới 1,050 tỷ đồng. Người có thu nhập thấp như trên khó có thể thực hiện, bởi các ngân hàng sẽ xem xét, đánh giá kỹ khả năng tài chính, phương án trả nợ theo từng thời kỳ trước khi quyết định cho vay.

Chính vì lẽ đó mà các nhà đầu tư tính không có lãi nên chưa có DN nào "nhảy" vào để thực hiện dự án thuộc diện nhà ở xã hội hoặc dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội. Vì vậy, dự án này, tuy được thực hiện kéo dài 36 tháng nhưng theo nhận định của Ngân hàng thì trong thời gian thực hiện "cung" khó gặp được "cầu".


MAI HẠ (thực hiện)

 


.