Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số

09:06, 01/06/2013
.

(QNg)- Đồng chí Trương Đình Đức - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh trả lời phỏng vấn với phóng viên Báo Quảng Ngãi nhân tháng Hành động vì trẻ em năm 2013.

*PV: Nhân tháng Hành động vì trẻ em năm 2013, đồng chí cho biết thực trạng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở tỉnh ta trong thời gian qua?

*Đồng chí Trương Đình Đức: Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở tỉnh ta trong thời qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng tăng và hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện. Trẻ mầm non, mẫu giáo đến trường đạt tỷ lệ cao. Trẻ em bỏ học trong năm 2012 giảm còn 0,05% ở bậc tiểu học, THCS: 1,15% và THPT: 2,48%. Hoàn thành và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS ở 184/184 xã, phường, thị trấn. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ ngày càng được chú trọng; đời sống văn hoá, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được quan tâm, bảo đảm.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế. Đó là, tình trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, sống trong điều kiện khó khăn, có nguy cơ lạm dụng sức lao động, bị bóc lột, bị xâm hại tình dục còn cao. Hiện toàn tỉnh có 7.520 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 57.382 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm gần 20% trong tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh. Riêng trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm hại chiếm trên 1,3% tổng số trẻ em trong độ tuổi. Một bộ phận trẻ em lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật đang trở thành nỗi lo của gia đình và xã hội. Từ năm 2001- 2010 có 1.383 vụ trẻ em vi phạm pháp luật. Tình trạng trẻ em lang thang, bị tai nạn, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn xảy ra, trong đó có một phần ảnh hưởng không nhỏ của văn hoá đồi trụy, internet, trò chơi điện tử.

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao. Thiếu các điểm vui chơi và hình thức giải trí phù hợp với trẻ em; điều kiện sống và cơ hội phát triển của trẻ em giữa các vùng ngày càng chênh lệch.

*PV: Như vậy, Chủ đề của tháng Hành động vì trẻ em năm 2013 là gì, thưa đồng chí?

*Đồng chí Trương Đình Đức: Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2013 là: “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”. Sở dĩ có chủ đề này là vì, một bộ phận trẻ em ở miền núi, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số chưa được đáp ứng đầy đủ về quyền tham gia và phát triển của mình. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn một số hạn chế, yếu kém; hệ thống pháp luật và chính sách trợ giúp cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn tồn tại một số bất cập. Do đó, chúng ta cần phải thực hiện đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em, gồm: Quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, quyền được tham gia và quyền được phát triển.

*PV: Theo đồng chí, để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở tỉnh ta trong thời gian đến chúng ta cần phải làm gì?

*Đồng chí Trương Đình Đức:  Để thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động xã hội về bảo vệ trẻ em bằng nhiều hình thức, biện pháp, phương pháp thực hiện. Xây dựng nội dung, thông điệp truyền thông, giáo dục, tư vấn về bảo vệ trẻ em phù hợp với từng đối tượng và theo từng giai đoạn.

Tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến trẻ em. Nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, nhất là ở cơ sở. Xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở, hình thành mạng lưới bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Tích cực huy động, vận động các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở dành cho trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, có hoàn cảnh đặc biệt.

Từng bước nâng cao nhận thức, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho gia đình, cộng đồng và nhà trường về bảo vệ trẻ em trên cơ sở tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em. Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tham gia một cách chủ động vào hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp liên ngành trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em.


*PV: Xin cảm ơn đồng chí


                        Phú Đức (thực hiện)
 


.