Giao quyền tự chủ tài chính cho các trường: Non nghiệp vụ dễ mắc sai phạm

07:05, 05/05/2013
.

(QNg)- Việc triển khai kế hoạch giao quyền tự chủ về tài chính cho các trường theo chủ trương chung là một chính sách hợp lý. Phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) làm nhiệm vụ quản lý tổng thể, còn mọi khoản thu – chi đều do các trường tự quản lý. Bên cạnh những thuận lợi thì việc giao này cũng gặp không ít khó khăn, bất cập, nhất là các huyện miền núi. Xung quanh vấn đề này, PV. Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây, một trong những địa phương miền núi thực hiện chính sách này.

*PV: Thưa ông, việc thực hiện chủ trương tự chủ tài chính ở các trường trên địa bàn huyện hiện nay được thực hiện  như thế nào?

*Ông  LÊ HOÀI THẠNH: Với Phòng Giáo dục và Đào tạo Sơn Tây, trong những năm gần đây đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện chủ trương này, như: Hợp đồng đội ngũ kế toán, bồi dưỡng năng lực quản lý tài chính cho ban giám hiệu, mở mã số giao dịch,… để thực hiện trong năm học 2012-2013 cho các trường trên địa bàn. Về cơ bản kế hoạch này đã được triển khai đến các trường và hầu hết các trường đã “giữ chìa khóa” tài chính để tự hoạt động.

*PV: Việc thực hiện quyền tự chủ tài chính ở các trường thuộc diện quản lý của Phòng có những thuận lợi, khó khăn gì không thưa ông?

*Ông  LÊ HOÀI THẠNH:  Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường sẽ giúp các trường thuận lợi trong việc chủ động chi trong những trường hợp đột xuất cũng như xoay xở trong những vấn đề thuộc diện trường tự lo được. Còn khó khăn chung nhất của các huyện hiện nay là, các đơn vị mới được giao quyền tự chủ về tài chính nhưng chưa được tự chủ về biên chế nên hiệu quả quản lý chưa cao. Đối với các huyện miền núi nói chung và Sơn Tây nói riêng, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu chính sách tăng thu, bởi ở khu vực này hầu như không thu bất kỳ một nguồn nào từ phía cộng đồng.

 

Đặc biệt, vài năm gần đây kinh phí giao cho sự nghiệp giáo dục không tính theo đầu biên chế giáo viên mà tính theo đầu dân số nên việc tăng biên chế sẽ gặp khó khăn về kinh phí. Việc phổ cập giáo dục Mầm non, Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập Trung học cơ sở buộc ngành giáo dục phải mở lớp rộng khắp các địa bàn dân cư dù xa xôi, hẻo lánh. Do tỷ lệ học sinh trên lớp rất thấp nên số lớp học tăng lên và việc bố trí đội ngũ giáo viên phải chiếm tỷ lệ cao là tất yếu. Đồng thời, hầu hết các hiệu trưởng là chủ tài khoản vẫn còn hạn chế về năng lực quản lý tài chính cùng với đội ngũ kế toán còn non trẻ là những khó khăn rất lớn của huyện hiện nay.

Như vậy, việc thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập rất hiệu quả ở các địa bàn thuận lợi và quy mô. Còn đối với các huyện khó khăn như Sơn Tây thì vẫn còn nhiều bất cập. Bởi khi giao quyền tự chủ cho các trường không chỉ dừng lại ở việc cầm “chìa khoá”, làm chủ túi tiền mà phải thực hiện thu – chi  hợp lý để nâng cao chất lượng giáo dục. Điều lo ngại nhất là việc “non” nghiệp vụ của các chủ tài khoản rất dễ xảy ra những vi phạm về quản lý tài chính.

*PV: Dư luận cho rằng việc giao cho các trường  tự chủ tài chính thì sẽ nảy sinh những “khuất tất”. Chẳng hạn, việc quản lý chi thường không đảm bảo giữa nhu cầu phát triển cơ sở vật chất, chất lượng học tập mà thường “tiết kiệm” để tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

*Ông  LÊ HOÀI THẠNH:  Đây là vấn đề nhạy cảm dư luận đặt ra cũng là điều mà các phòng giáo dục và đào tạo cần phải lưu tâm trong quá trình quản lý của mình. Về mặt pháp lý, các đơn vị phải thực hiện đầy đủ Thông tư số 21/2005/TT-BTC ngày 22/3/2005 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Về thực tiễn, phòng giáo dục và đào tạo là đơn vị dự toán cấp 1 phải có trách nhiệm cao trong phê duyệt dự toán kinh phí hàng năm cho từng đơn vị để đảm bảo các tỷ lệ cân đối, giám sát việc thu – chi hàng quý rõ ràng, đặc biệt là việc quyết toán năm.

 

Việc phê duyệt dự toán kinh phí hằng năm theo quy định sẽ giúp cho các trường có kế hoạch thu – chi hợp lý cũng như sẽ ngăn ngừa hiện tượng sử dụng nguồn chi không đúng mục đích. Việc dư luận đặt vấn đề “nghi ngờ” về “túi tiền” sẽ không được thu chi hợp lý, Phòng GD huyện Sơn Tây đã lên phương án yêu cầu hiệu trưởng các trường công khai tài chính sau mỗi năm hoặc học kỳ tùy theo đơn vị. Ngoài ra, một khi đã giao quyền tự chủ tài chính thì Phòng cũng đã gắn trách nhiệm cho ban giám hiệu nhà trường. Hiện Phòng giáo dục chỉ có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và từng bước hướng các đơn vị thực hiện tốt việc quản lý kinh phí tự chủ để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

*PV: Xin cảm ơn ông!


LÊ ĐỨC (thực hiện)
 


.