Sẵn sàng đối phó với dịch cúm A/H7N9 ở người

01:04, 15/04/2013
.

(QNg)- Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tấn Đức- Phó giám đốc Sở Y tế  khi làm việc với PV BQN xoay quanh về vấn đề dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.

*PV: Xin ông cho biết những diễn biến, mức độ nguy hiểm và biểu hiện của dịch cúm A/H7N9 ở người?


*Ông NGUYỄN TẤN ĐỨC: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 9/4 Trung Quốc đã phát hiện 24 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Trước diễn biến đó, Bộ Y tế cho rằng nguy cơ xâm nhập của virus trên vào Việt Nam là rất lớn, bởi Trung Quốc cận kề nước ta, có đường biên giới kéo dài, việc lưu thông đi lại của người dân 2 nước rất thuận lợi qua đường bộ, hàng không, tàu liên vận. Bên cạnh đó, cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa xác định được nguồn lây. Theo Bộ Y tế, vi rút cúm A/H7N9 là một chủng mới, có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng lây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển khá nhanh và tỷ lệ tử vong cao.

Ca bệnh nghi có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với cúm A/H7N9 trong vòng 2 tuần; có tiền sử đi vào vùng dịch tễ hoặc sống trong vùng dịch tễ có ca bệnh cúm A/H7N9, tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh. Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp, sốt, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi, không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do các căn nguyên khác gây viêm phổi…

*PV: Trước thực trạng đó, công tác triển khai phòng, chống dịch  cúm A/H7N9 trên địa bàn tỉnh ta sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

*Ông NGUYỄN TẤN ĐỨC: Thực hiện Công văn số 1807/BYT-DP ngày 3/4/2013 của Bộ Y tế, Sở Y tế Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác phòng, chống cúm A/H7N9 như sau: Đối với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị dự phòng tuyến huyện, phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch cúm trên gia cầm. Triển khai thực hiện tốt công tác kiểm dịch y tế, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý kịp thời đối với trường hợp nghi mắc bệnh, chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh.

Đối với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cần tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở chế biến gia cầm. Đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng đối với các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Đảm bảo đủ cơ số thuốc, khu vực cách ly…

*PV: Ngành y tế có khuyến cáo gì đối với người dân trước những diễn biến phức tạp của cúm A/H7N9,  thưa ông?

*Ông NGUYỄN TẤN ĐỨC: Người dân không nên hoang mang trước thông tin về dịch cúm A/H7N9. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta thờ ơ, không quan tâm gì đến dịch bệnh này. Thứ nhất, người dân có thể áp dụng những biện pháp dự phòng thông thường. Bệnh cúm lây theo đường hô hấp, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, biện pháp đơn giản nhất là rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị đồ ăn và sau khi tiếp xúc với thịt gia cầm, thịt động vật. Thứ hai là, đeo khẩu trang trong trường hợp chúng ta ho, hắt hơi, sổ mũi.  Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, ăn chín uống sôi, không dùng các thực phẩm sống. Thứ ba, khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và thú y trên địa bàn. Và nếu xuất hiện các triệu chứng như cúm, ho, sốt, sổ mũi, nhức đầu,… thì người dân phải đến ngay  cơ quan y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
                   

Kim Ngân
                        (thực hiện)
 


.