Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia

07:04, 27/04/2013
.

(QNg)- Lý Sơn là hòn đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược rất quan trọng về an ninh quốc phòng. Nơi đây không chỉ có thế mạnh về kinh tế biển mà  còn đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển du lịch. Nhân sự kiện Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần văn hóa Biển đảo Quảng Ngãi năm 2013 được tổ chức lần đầu tiên ở Quảng Ngãi, PV BQN có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn xoay quanh vấn đề này.

*PV: Lý Sơn đang là điểm đến du lịch hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Vậy ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

*Ông Trần Ngọc Nguyên: Việc UBND tỉnh nâng tầm Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay, cùng với nhiều hoạt động trong Tuần lễ văn hóa Biển đảo Quảng Ngãi năm 2013 là cơ hội để Lý Sơn giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế những danh lam thắng cảnh lịch sử, văn hoá và các lễ hội đặc sắc của cư dân trên hòn đảo tiền tiêu này. Lễ Khao lề là hoạt động thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân những bậc tiền hiền trên đảo có công khám phá, cắm mốc chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được các tộc họ trên đảo giữ gìn hàng trăm năm nay. Nó không những thể hiện tình cảm của các thế hệ cha ông đi trước, một nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo mà qua đó còn giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền của các thế hệ ngư dân trên đảo Lý Sơn. Sự quan tâm của cộng đồng đối với lễ hội truyền thống này là cơ hội để huyện khai thác có hiệu quả các tiềm năng để phát triển du lịch biển đảo trong tương lai.

 Lý Sơn có mật độ các di tích lịch sử, văn hóa khá dày, đều gắn bó mật thiết với sự hình thành, phát triển và đời sống của cư dân trên đảo, cùng với sản vật hành, tỏi và bản lĩnh ngư dân trong quá trình tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia đã kích thích sự tò mò của du khách. Huyện đã đầu tư  tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, tàu cao tốc đưa đón khách ra vào đảo và xe đưa đón khách du lịch tham quan trên huyện đảo. Bước đầu nhân dân trên đảo đã tham gia làm du lịch bằng hình thức du lịch cộng đồng, phát huy tiềm năng những ngôi nhà cổ trên đảo để làm nơi tham quan, nghỉ ngơi cho du khách. Qua đó, đã phần nào đáp ứng được nhu cầu đi lại, ăn nghỉ của du khách trong thời gian lưu trú tại đảo. Từ năm 2012 đến nay, lượng khách đến với Lý Sơn ngày càng tăng. Riêng trong quý 1/2013 đã có gần 6.000 lượt khách ra thăm đảo, trong khi bình quân những năm trước chỉ khoảng 8.000 - 8.500 lượt khách/năm.

*PV: Lý Sơn là hòn đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng rất quan trọng. Vậy huyện sẽ làm gì để đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế với giữ vững an ninh quốc phòng, thưa ông?

*Ông Trần Ngọc Nguyên: Quan điểm xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, điều hành của huyện là phát triển kinh tế trên đảo phải luôn gắn chặt với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia. Do vậy, phát triển du lịch cũng không ngoại lệ. Thông qua việc giới thiệu đến công chúng các lễ hội đặc trưng của ngư dân huyện đảo, cùng với các di tích lịch sử, văn hóa chứa đựng các chứng cứ, tư liệu lịch sử về chủ quyền biên giới biển, đảo sẽ giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ về những chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Qua đó, công chúng sẽ hiểu được vì sao bao thế hệ ở Lý Sơn không tiếc máu xương, hiểm nguy sóng gió, quyết tâm bám biển Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác hải sản. Mỗi một ngư dân ở huyện đảo này là một cột mốc sống về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Phát triển du lịch biển, đảo ở Lý Sơn không chỉ là làm kinh tế đơn thuần mà là kênh tuyên truyền rất hiệu quả để khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu chuộng hoà bình của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Lý Sơn nói riêng. Từ đây, bạn bè quốc tế cũng sẽ hiểu hơn về đất và người Lý Sơn.  

Hiện nay, Lý Sơn nhận được sự quan tâm ưu ái rất lớn của cộng đồng. Khách đến với Lý Sơn là để chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của hòn đảo này trong điều kiện hạ tầng du lịch còn yếu kém, du khách không thể lưu trú dài ngày là điều khiến chúng tôi trăn trở. Hiện cả huyện chỉ có 1 khách sạn và 5 nhà nghỉ, đáp ứng chỗ lưu trú cho vài trăm khách. Đồng thời, chưa có lưới điện quốc gia nên nhiều doanh nghiệp "ngại" đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn và mở các tour du lịch ra đảo. Hệ thống giao thông từ đất liền ra đảo và trên đảo tuy được nâng cấp, nhưng chất lượng chưa cao. Các sản phẩm phục vụ du lịch chưa đa dạng...

Từ những khó khăn đó, thời gian đến Lý Sơn sẽ mời gọi các doanh nghiệp ra đầu tư khai thác tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch biển, đảo. Tôi tin rằng, trong tương lai không xa, Lý Sơn sẽ là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.


*PV: Xin cảm ơn ông!


XUÂN THIÊN (thực hiện)
 


.