Ông Nguyễn An-Phó Giám đốc Sở Công thương:
Đẩy mạnh xuất khẩu tăng trưởng bền vững, giảm nhập siêu

09:04, 29/04/2013
.

(QNg)- Quảng Ngãi vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2012-2020, với mục tiêu chung là đẩy mạnh xuất khẩu tăng trưởng bền vững, giảm nhập siêu trong dài hạn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn An-Phó Giám đốc Sở Công thương về chương trình này.

*PV: Xin ông cho biết mục tiêu của Chiến lược XNK hàng hóa của Quảng Ngãi trong thời kỳ 2012-2020?

*Ông NGUYỄN AN: Theo Kế hoạch vừa mới ban hành thì Quảng Ngãi sẽ phát triển XNK hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tập trung vào các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng xuất khẩu thô, sơ chế, gia công; tăng xuất khẩu qua chế biến và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đồng thời tăng cường công tác xúc tiến mở rộng thị trường, đổi mới phương thức kinh doanh thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong giai đoạn 2012-2015, tỉnh sẽ tập trung vào các mặt hàng có lợi thế như sản phẩm cơ khí, tinh bột sắn, sản phẩm gỗ, dệt may, giày da, thủy sản… Phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 500 triệu USD, đến năm 2020 đạt 954 triệu USD. Tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 đạt 13%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 14%/năm. Ở giai đoạn 2016-2020, bên cạnh tiếp tục phát triển xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế sẽ mở rộng và phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao như sản phẩm của công nghiệp lọc hóa dầu, đóng tàu, sắt thép, ván ép, bột giấy...

*PV: Trong những năm qua, để phục vụ cho đầu tư phát triển, Quảng Ngãi nhập siêu khá lớn, vậy tỉnh sẽ làm gì để hạn chế nhập siêu?

*Ông NGUYỄN AN: Đúng là trong thời gian qua chúng ta đã phải nhập nhiều thiết bị có giá trị lớn để xây dựng NMLD Dung Quất cũng như dầu thô phục vụ cho Nhà máy sản xuất và nhập gỗ nguyên liệu, nguyên phụ liệu may mặc, máy móc, phụ tùng thay thế... Điều này làm cho Quảng Ngãi rơi vào tình trạng nhập siêu. Do vậy, những năm đến, tỉnh chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập *khẩu hàng hóa, đồng thời phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh và phát triển công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn. Cùng với đó là hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, từng bước giảm nhập siêu, góp phần cân đối cán cân thương mại, kích thích sản xuất trong nước phát triển. Dự kiến đến năm 2015, kim ngạch nhập khẩu đạt 4.080 triệu USD, đến năm 2020 đạt 4.690 triệu USD. Tốc độ tăng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2011-2015 đạt 5%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 3%/năm.

*PV: Hiện nay, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vẫn còn khá ít, chúng ta cần có chính sách gì để các doanh nghiệp này nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển năng lực xuất khẩu, thưa ông?

*Ông NGUYỄN AN: Trước hết cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như các sản phẩm từ gỗ, tinh bột sắn, sản phẩm hóa dầu, sản phẩm cơ khí, đóng tàu, điện tử… để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng kim ngạch theo hướng bền vững. Hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó là rà soát, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu; xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông-lâm-thủy sản. Để giữ vững và phát triển thị trường, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chuyến xúc tiến thương mại theo Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp của tỉnh lên các trang web, cổng thông tin của Bộ Công thương, Cổng Thương mại điện tử Quảng Ngãi… Đồng thời, cần sớm ban hành cơ chế chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu; dịch vụ phục vụ XNK; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

HOÀNG TRIỀU (thực hiện)
 


.