Đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn

05:04, 21/04/2013
.

(QNg)- Đó là nội dung trao đổi của PGS.TS Phạm Đăng Phước-Hiệu Trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng với PV.Báo Quảng Ngãi xoay quanh công tác tuyển sinh năm 2013 và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

*PV: Thưa ông, công tác tuyển sinh năm 2013 của trường có điểm gì mới so với mọi năm không?  

*Ông Phạm Đăng Phước: Tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH năm 2013 của trường là 450 SV, bậc CĐ 850 SV. Bậc ĐH gồm có 5 ngành: Công nghệ thông tin (100 SV); Công nghệ kỹ thuật cơ khí (100 SV); Ngôn ngữ Anh (100 SV); Sư phạm Ngữ văn (100 SV); Sư phạm Tin học (50 SV). Bậc CĐ có 17 ngành, trong đó có 13 ngành sư phạm (480 SV). Bậc CĐ xét tuyển dựa trên kết quả thi ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT. Đối với ngành sư phạm chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ngãi. Điểm khác so với năm ngoái là năm nay trường có tổ chức thi tuyển khối A1. Đối với các ngành đào tạo, chỉ đào tạo đơn, không đào tạo ghép như mọi năm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.  
 
*PV: Việc ưu tiên xét tuyển thí sinh ở các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

*Ông Phạm Đăng Phước: Chỉ tiêu xét tuyển thí sinh ở các huyện nghèo dự kiến khoảng 100 SV. Sau khi trúng tuyển nhập học, các em học bổ sung kiến thức 1 năm. Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để các em học bổ sung kiến thức. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các em phải trải qua đợt khảo sát chất lượng. Tùy vào kết quả đạt được, các em sẽ được xét tuyển vào học chính thức bậc ĐH, CĐ hoặc TCCN. Việc tổ chức xét tuyển là cơ hội tốt để các em ở các huyện nghèo được học ĐH, nhằm góp phần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ ở vùng cao.

*PV: Thực tế, thời gian qua có không ít sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm. Ông có suy nghĩ gì về việc này?

*Ông Phạm Đăng Phước: Nhiều em thích học ngành sư phạm, nhất là đối với những em ở vùng nông thôn có đời sống kinh tế khó khăn. Những năm trước, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào ngành sư phạm cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là đối với sư phạm mầm non và tiểu học. Điểm chuẩn đối với ngành sư phạm cũng khá cao.

 Trường vẫn chưa theo dõi được tỷ lệ sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường có việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo là bao nhiêu. Song, để hạn chế tình trạng dư thừa, đối với những ngành có nhu cầu nguồn nhân lực không lớn, năm trước tuyển sinh thì năm sau không tuyển. Sắp tới, trường sẽ phối hợp tổ chức hội thảo để có đánh giá chuẩn xác về nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành sư phạm, từ đó định hướng đào tạo tốt hơn.

*PV: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng, nhà trường đã và sẽ phải làm gì để đáp ứng được yêu cầu đó thưa ông?


*Ông Phạm Đăng Phước: Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã và đang tập trung cho công tác nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ-giảng viên; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đổi mới phương pháp giảng dạy. Nếu như năm 2007 trường chỉ có 2 tiến sĩ thì hiện nay trường đã có 8 tiến sĩ và 15 nghiên cứu sinh. Khoảng 65% cán bộ, giảng viên của trường có trình độ sau ĐH. Nhà trường luôn chú trọng gắn công tác đào tạo với thực tiễn, giúp sinh viên mạnh dạn, tự tin tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Cùng với việc đầu tư xây dựng các xưởng thực hành, trong đó có xưởng thực hành hiện đại thuộc vào hàng bậc nhất ở khu vực miền Trung, nhà trường đang đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên thực hành thông thạo và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

*PV: Xin cảm ơn ông!


PHƯƠNG LÝ
(thực hiện)
 


.