Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản: Việc làm cần thiết

09:04, 04/04/2013
.

(QNg)- Vừa qua, bốn đặc sản tiêu biểu của Quảng Ngãi được công nhận kỷ lục Việt Nam năm 2012, gồm cá bống Sông Trà, don, kẹo gương và quế Trà Bồng. Tuy nhiên, mới chỉ có đặc sản quế Trà Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể (ngày 31/8/2010). Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho người dân ở địa phương, mà còn bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo. Phóng viên chuyên mục đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Thuý Nga - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ xoay quanh vấn đề này.

* Hỏi: Các sản phẩm đặc sản ở tỉnh ta khá đa dạng, trong đó có nhiều loại rất có "tiếng". Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có tỏi Lý Sơn và quế Trà Bồng được công nhận nhãn hiệu tập thể. Vậy thì theo bà, nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này?

* Bà Võ Thị Thuý Nga: Việc rất ít sản phẩm nông sản đặc sản ở tỉnh ta đăng ký sở hữu trí tuệ là do chúng ta mới áp dụng cơ chế đăng ký chỉ dẫn địa lý chưa lâu (từ 1/7/2006, trước đó là đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hoá), nên cả nước chỉ có 28 chỉ dẫn địa lý được đăng ký, mà cũng chỉ mới tập trung trong vài năm gần đây. Hơn nữa, quy định của pháp luật về đăng ký nhãn hiệu tập thể (NHTT), đòi hỏi chặt chẽ hơn so với hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thông thường, nhất là chủ đơn đăng ký NHTT phải là tập thể (đại diện cho lợi ích cộng đồng). Cơ chế thành lập các hiệp hội, hội, HTX cũng gặp không ít khó khăn về thủ tục hành chính. Thêm vào đó, nhận thức của người dân ở những vùng có đặc sản về lợi ích của việc đăng ký còn chưa rõ ràng, thậm chí họ còn hoài nghi. Một phần là do thói quen lâu nay mạnh ai nấy làm, một phần là do khâu quản lý NHTT ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, lợi ích sau khi đăng ký cũng còn hạn chế, nên người dân chưa mặn mà với nhãn hiệu "sở hữu tập thể".

*Hỏi: Vậy nếu không đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm này thì người dân cũng như doanh nghiệp sẽ gặp những thiệt hại gì, thưa bà?

*Bà Võ Thị Thuý Nga: Đăng ký SHTT cho các sản phẩm đặc sản là hình thức pháp lý để bảo vệ danh tiếng của đặc sản. Nếu đặc sản không đăng ký SHTT thì đương nhiên không có công cụ pháp lý để bảo vệ đặc sản đó. Các đặc sản đó dần dần bị mai một không giữ được hoặc bị lạm dụng danh tiếng mà phát triển một cách tràn lan hoặc giả mạo. Khi đã bị giả mạo thì sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, hậu quả khôn lường, nguy cơ bị mất danh tiếng của đặc sản là hoàn toàn có thể xảy ra. Các doanh nghiệp thương mại thì thiếu nguồn hàng có chất lượng và xuất xứ rõ ràng, dẫn đến kinh doanh đơn điệu, thiếu bền vững… Do đó, việc đăng ký bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc sản là việc làm hết sức cần thiết và nên làm sớm.

*Hỏi: Để khuyến khích người dân đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm, hàng hoá của mình, thì các sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sẽ được hưởng những chính sách hỗ trợ như thế nào?

*Bà Võ Thị Thuý Nga: Để khuyến khích việc đăng ký xác lập, bảo vệ và phát triển sở hữu công nghiệp nói chung, nhãn hiệu hàng hoá nói riêng cho sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh, tỉnh ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ về đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức trong cộng đồng; hướng dẫn các thủ tục đăng ký và hỗ trợ một phần kinh phí sau khi sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền.

Đặc biệt đối với các làng nghề, sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương, tỉnh đã đầu tư kinh phí và chuyên môn giúp địa phương xây dựng các mô hình tổ chức, quản lý và phát triển thương hiệu; đẩy mạnh việc tuyên truyền,  quảng bá sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức cho hội, doanh nghiệp tham gia các Hội chợ thương mại nổi tiếng tại Việt Nam, giải thưởng chất lượng Việt Nam được tổ chức hằng năm...  Đối với các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài được Cục SHTT hỗ trợ 50% kinh phí để làm các thủ tục đăng ký,...

*PV: Việc quản lý và phát triển nhãn hiệu của sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ đang là một vấn đề khó đối với chủ sở hữu. Với chức năng là đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực SHCN thì Sở Khoa học và Công nghệ có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

*Bà Võ Thị Thuý Nga: Sở KH&CN thường xuyên hướng dẫn, tư vấn giúp doanh nghiệp trong việc đăng ký, xác lập và bảo vệ tài sản trí tuệ; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về tầm quan trọng của SHTT trong  cộng đồng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng thông qua các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các hành vi xâm phạm, kiên quyết xử lý đúng pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, tỉnh có những chính sách hỗ trợ để đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống nhằm góp phần bảo tồn giá trị, phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo điều kiện để người dân an tâm sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của mình, doanh nghiệp phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh một cách lành mạnh. Có như vậy mới giữ vững được giá trị sản phẩm và nâng cao thị phần trên thị trường và phát triển thương hiệu bền vững.

Anh Khuê (thực hiện)
 


.