Đồng chí Cù Thị Thanh Mai - PGĐ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phân luồng đào tạo để khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"

02:11, 23/11/2012
.

(QNg)- Những vướng mắc cần tháo gỡ và định hướng lớn trong công tác đào tạo nghề hiện nay ở Quảng Ngãi là nội dung chính của cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Quảng Ngãi và đồng chí Cù Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Đồng chí Cù Thị Thanh Mai cho biết: "Để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” trước hết phải có sự chỉ đạo quyết liệt của nhà nước trong thực hiện phân luồng học sinh. Tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người lao động và xã hội về học nghề để lập thân, lập nghiệp..."

*P.V: Đồng chí có thể khái quát về hoạt động đào tạo nghề của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian gần đây, nhất là  khi Luật Dạy nghề có hiệu lực?

*Đ/c Cù Thị Thanh Mai: Từ khi Luật Dạy nghề có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, hoạt động dạy nghề trên phạm vi cả nước đã có sự chuyển biến rõ rệt, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi. Có thể ghi nhận một số kết quả cơ bản về hoạt động dạy nghề của tỉnh như sau:

Trước năm 2006, hệ thống dạy nghề trên địa bàn tỉnh chỉ có 8 cơ sở dạy nghề, đào tạo ở cấp độ trung cấp và sơ cấp, chủ yếu là sơ cấp nghề. Đến năm 2012 đã phát triển lên 34 cơ sở dạy nghề, trong đó có 23 Trường, Trung tâm dạy nghề và 11 cơ sở đào tạo đăng ký hoạt động dạy nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề cơ bản đã phát triển đều ở các vùng trong tỉnh; đã đào tạo nghề ở các cấp độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng nghề, bước đầu đáp ứng nhu cầu đa dạng về trình độ nhân lực kỹ thuật cho các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trong tỉnh, nhu cầu xuất khẩu lao động, nhu cầu học nghề của nhân dân, góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh, giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp và dịch vụ.

Năm 2011 và 2012, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo gần 23.000 lao động của tỉnh Quảng Ngãi, trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho 9.978 lao động nông thôn theo Đề án 1956, 1.200 người theo Chương trình 30a; 1.500 người theo Chương trình đào tạo xuất khẩu lao động; đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp nghề cho trên 10.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2011 đạt 30,5%; năm 2012 ước đạt tỷ lệ 34%, dự kiến bằng mức bình quân chung của cả nước. Lao động sau đào tạo nghề có việc làm từ 70 đến 80% (khoảng 35% lao động học nghề nông nghiệp tự tạo việc làm tại địa phương; 65% lao động học các nghề phi nông nghiệp vào làm việc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, tham gia xuất khẩu lao động).

*P.V: Những khó khăn cần tháo gỡ trong công tác đào tạo nghề  của tỉnh hiện nay?

*Đ/c Cù Thị Thanh Mai: Vấn đề chuẩn trong dạy nghề là các tiêu chí cơ bản phản ánh năng lực dạy nghề. Đó là, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề và chương trình, giáo trình dạy nghề. Về các tiêu chí cơ bản nêu trên thì các cơ sở dạy nghề của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn: cơ sở vật chất chưa đảm bảo, trang thiết bị dạy nghề còn thiếu thốn, chưa được đầu tư đồng bộ; đội ngũ giáo viên cơ hữu mới đạt từ 30 - 50%  so với qui định. Đầu tư cho dạy nghề của tỉnh những năm qua chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của TW. Việc thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức đầu tư cho dạy nghề số lượng ít, qui mô nhỏ. Định mức chi cho sự nghiệp dạy nghề của tỉnh thấp so với bình quân chung của các tỉnh trong khu vực, chưa đảm bảo cho hoạt động dạy nghề; thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao cho khu vực sản xuất kinh doanh.

Đó là những khó khăn cần được tháo gỡ để đảm bảo thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2012 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần phát triển nhân lực lao động xã hội qua đào tạo nghề theo Đề án đẩy mạnh phát triên nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020.

*P.V: Quảng Ngãi là tỉnh cũng thuộc diện "thừa thầy, thiếu thợ", nhưng chất lượng đào tạo công nhân kỹ thuật những năm qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh - nhận định này đúng ở khía cạnh nào và hướng khắc phục?

*Đ/c Cù Thị Thanh Mai:  Việc đào tạo “thầy, thợ” ở Việt Nam  đúng như nhận định trên. Quảng Ngãi cũng không nằm ngoài diện đó. Nhận định “chất lượng đào tạo công nhân kỹ thuật những năm qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh” có phần đúng nhưng chưa đủ. Qua khảo sát 63 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 10.258/13.7.53 lao động qua đào tạo. Trong đó, lao động được đào tạo trong tỉnh chiếm tỷ lệ 78% (trên 8000 người). Số lao động được đào tạo ngoài tỉnh và ở nước ngoài là 22%.

Một thực tế khách quan là các cơ sở dạy nghề không có khả năng về tài chính để thường xuyên thay đổi thiết bị dạy nghề. Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn có xu hướng đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất để cạnh tranh và phát triển. Doanh nghiệp tuyển dụng lao động khi thiết bị học nghề không theo kịp thiết bị sản xuất của doanh nghiệp thì việc bồi dưỡng thêm kỹ năng sử dụng thiết bị mới là chuyện bình thường. Sinh viên đã được thực hành nghề trên thiết bị dạy nghề, khi tiếp thu kỹ thuật sử dụng thiết bị mới cũng sẽ nhanh hơn.

Như vậy, nhận định trên đúng ở khía cạnh là vẫn còn gần 15% lao động cần phải đào tạo lại do chất lượng đào tạo chưa đảm bảo, đặc biệt là thiếu nhân lực có trình độ kỹ thuật chất lượng cao theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường việc liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề, trước hết là có sự tham gia của doanh nghiệp về chương trình, giáo trình giảng dạy, hướng dẫn sinh viên thực hành nghề, đánh giá kết quả học nghề của sinh viên nhằm giảm khoảng cách giữa đào tạo nghề và sử dụng lao động của doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm  sau đào tạo...

*P.V: Những định hướng lớn về đổi mới và phát triển dạy nghề của tỉnh  trong thời gian đến?

*Đ/c Cù Thị Thanh Mai: Thực hiện chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập kinh tế quốc tế và Nghị Quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, những định hướng lớn về phát triển dạy nghề của tỉnh trong thời gian đến là: Triển khai thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020. Phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề và chương trình giáo trình dạy nghề nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề.

Đa dạng hóa các hình thức dạy nghề. Đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và dân chủ hóa trong hoạt động dạy nghề, tạo điều kiện phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp và dạy nghề tại nơi sản xuất. Tạo điều kiện cho các trường, các trung tâm dạy nghề liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm.


Tăng cường hội nhập quốc tế về dạy nghề: Tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc mở rộng hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế về dạy nghề để trao đổi và học tập kinh nghiệm về phát triển dạy nghề, đặc biệt là các nước thành công về phát triển dạy nghề trong khu vực ASEAN và Châu Á.


THANH TOÀN (thực hiện)
 


.