Ông Nguyễn An - Phó Giám đốc Sở Công thương:
Chương trình bình ổn giá sẽ triển khai rộng khắp

06:10, 28/10/2012
.

(QNg)- Chương trình bình ổn giá đã được Quảng Ngãi triển khai và phát huy nhiều mặt tích cực trong những năm qua, góp phần hạn chế và kiểm soát được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến và bình ổn thị trường. PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn An sau khi Sở này tổ chức triển khai chương trình cho những tháng cuối năm.

*PV: Chương trình bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường được triển khai trong những năm qua mang lại nhiều điều tích cực, vậy năm nay chương trình này sẽ khởi động như thế nào?

*Ông Nguyễn An: Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân năm 2013, tạo cơ hội và điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, Chương trình bình ổn giá tiếp tục được triển khai thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Mới đây, Sở Công thương đã tổ chức mời gọi doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá.

Ngoài việc kêu gọi doanh nghiệp tập trung nguồn hàng, góp phần bình ổn thị trường, Sở cũng kêu gọi một số doanh nghiệp tập trung chuẩn bị những nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết như: Gạo tẻ, gạo nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc-gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả.


Hiện nay, ngoài những đơn vị như Siêu thị Coop.Mart Quảng Ngãi, Công ty CP Lương thực Quảng Ngãi, Công ty CP Thanh niên xung phong tiếp tục tham gia, năm nay sẽ có thêm hai đơn vị mới là Trung tâm mua sắm Hương Lúa và Siêu thị Thành Nghĩa-Quảng Ngãi. Sở Công thương sẽ tổng hợp phương án của các doanh nghiệp đăng ký tham gia để xây dựng phương án chung trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai sớm chương trình này.

*PV: Được biết, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" cũng là một trong những chuỗi hoạt động nằm trong chương trình bình ổn giá, xin ông cho biết thêm về hoạt động này?

*Ông Nguyễn An: Chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" là chương trình xuyên suốt, lâu dài và làm quanh năm. Đây là chương trình mang nhiều ý nghĩa, bởi nó mang lại những mặt hàng thiết thực, đáp ứng nhu cầu của những người thu nhập thấp và thu nhập trung bình ở các huyện miền núi, hải đảo và vùng nông thôn. Điều đặc biệt nữa là, hàng hóa đều là sản phẩm sản xuất trong nước nên vừa hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vừa góp phần thực hiện bình ổn giá hàng hóa, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

*PV: Ở những năm trước, việc thực hiện chương trình bình ổn giá cũng bộc lộ một số hạn chế, vậy chúng ta sẽ khắc phục điều này như thế nào?

*Ông Nguyễn An: Vâng! Đúng là những năm trước đây, lượng hàng và mặt hàng đưa về nông thôn vẫn còn ít. Hơn nữa, lượng hàng hóa đưa lên miền núi trùng lặp với các mặt hàng thiết yếu được cấp không cho đồng bào nên người dân không mua, chúng tôi sẽ lưu ý các doanh nghiệp khắc phục vấn đề này. Sở Công thương cũng giao Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để lựa chọn đưa vào chương trình các mặt hàng thiết thực phục vụ ổn định đời sống nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra chất lượng, xuất xứ và giá cả hàng hóa, kịp thời xử lý để bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.

*PV: Để chương trình này có sức lan tỏa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, chương trình năm nay có điều gì mới hơn không?

*Ông Nguyễn An: Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng theo yêu cầu, thời gian phục vụ chương trình bình ổn giá kéo dài trong 90 ngày, thì chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn 14 huyện, thành phố. Trong đó, kết hợp với tổ chức bán hàng lưu động đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, KCN, khu tập trung đông dân cư để người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp có nhiều cơ hội được thụ hưởng chương trình. Bên cạnh đó, tùy theo nhu cầu của mỗi địa phương sẽ tính toán tăng thêm thời gian bán hàng (trước đây chỉ thực hiện 2 ngày ở mỗi điểm bán hàng). Thông qua thực hiện chương trình để triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết từ khâu sản xuất phân phối đến tiêu dùng nhằm chủ động tạo nguồn hàng ổn định, lâu dài và đảm bảo chất lượng...


Đặc biệt, năm nay công tác tuyền thông sẽ được chú trọng hơn. Ngoài việc tăng cường thời lượng trên Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, thì các huyện, thành phố sẽ hỗ trợ tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông của địa phương. Qua đó, giúp nhân dân nắm bắt địa điểm, thời gian thực hiện chương trình để tham gia mua sắm thuận lợi.


Hoàng Triều (thực hiện)
 


.