Đồng chí Hồ Văn Thế - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng:
Truyền thống "Trà Bồng quật khởi" luôn là động lực trong xây dựng, phát triển của huyện

01:08, 27/08/2012
.

(QNg)- Nhân kỷ niệm 53 năm Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thế cho biết một số thành tựu mới trong quá trình xây dựng, phát triển của huyện...

* P.V: 5 năm gần đây kinh tế - xã hội của Trà Bồng đạt được những thành tựu nào đáng ghi nhận?

* Đồng chí Hồ Văn Thế: Sau khi chia tách huyện, Trà Bồng có 10 xã, thị trấn với gần 29,5 nghìn dân, trong đó 85% dân cư nông thôn và 80% lao động nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có gần 31,5 nghìn dân; 7/10 xã miền núi đặc biệt khó khăn, thêm vào đó, thiên tai liên tục xảy ra ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất cũng như đời sống của người dân.

Phát huy truyền thống Trà Bồng quật khởi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trà Bồng đã tập trung nỗ lực, chung sức chung lòng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. 5 năm qua (2006 - 2010), nền kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng liên tục. Tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định năm 1994) ước đạt 1.407 tỷ đồng, tăng trên 98% so với giai đoạn 2000 - 2005; tốc độ tăng trưởng bình quân 16,6%/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng định hướng. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần từ 62% năm 2005 còn 49% và tỷ trọng ngành công nghiệp tăng dần từ 21% lên 37% năm 2010.  


Về phát triển cơ sở hạ tầng, đến nay 100% đường tỉnh lộ và các tuyến đường huyện đã được nhựa hóa, gần 71,6 km đường giao thông nông thôn đã được bêtông hóa, đường Sông Trường - Trà Bồng - Bình Long, đường Trung tâm thị trấn Trà Xuân và nội vùng được đầu tư đảm bảo giao thông thông suốt.

Cùng với việc đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông thông suốt từ tỉnh lộ, từ trung tâm huyện đến tất cả các xã, thì các trụ sở làm việc, các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội và dân sinh được đầu tư. Diện mạo nông thôn đã thay đổi và khang trang hơn. Ngoài ra, các công trình thủy điện đã được đầu tư xây dựng như thủy điện Hà Nang, thủy điện Cà Đú, đã có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

Công tác giáo dục - đào tạo có nhiều tiến bộ, nhất là đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ giáo viên. Đến nay, toàn huyện có 5 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nghiên cứu, bảo tồn và từng bước phát huy. Các cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư và nâng cấp. Trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại ngày càng được đầu tư ở các cơ sở y tế, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong huyện.

* P.V: Về kết quả công tác  xóa đói giảm nghèo của huyện?

* Đồng chí Hồ Văn Thế: Năm 2010, hộ nghèo huyện Trà Bồng chiếm tỷ lệ 48,81% tổng số hộ dân (theo tiêu chí cũ). Với quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) toàn huyện giảm xuống dưới 30%, Đảng bộ, chính quyền huyện đã xác định cần tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các chương trình, dự án đạt kết quả cao nhất để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Từ chủ trương đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo, như đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo; mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; giải quyết cho vay các nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội; triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực ưu tiên cho công tác xoá đói giảm nghèo.

Từ 2010 đến năm 2012, từ các nguồn vay ưu đãi hộ nghèo, giải quyết việc làm và một số nguồn vốn vay khác, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã cho gần 1.200 lượt hộ vay trên 10 tỷ đồng, đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế, mua sắm trang thiết bị, công cụ sản xuất. Nhờ đó đã tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ.


Đối với vấn đề thực hiện các chính sách hỗ trợ, trong 3 năm huyện đã đầu tư trên 120 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng cơ sở các xã đặc biệt khó khăn; kiên cố hoá các công trình giao thông, đập nước, kênh mương. Thực hiện chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kịp thời hiệu quả, giảm bớt một phần khó khăn cho nhân dân. Cấp thẻ bảo hiểm y tế  cho người nghèo; miễn học phí, hỗ trợ vở, sách giáo khoa cho học sinh con em hộ nghèo; trợ cấp thường xuyên cho hộ nghèo, gia đình gặp khó khăn...

Những giải pháp trên đã đem lại hiệu quả thiết thực, thu nhập của nhiều hộ nghèo tăng lên đáng kể.  Đến hết năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 46%. Thành tích này ghi nhận sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp, cùng với sự cố gắng lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo của nhân dân các dân tộc huyện Trà Bồng.

* P.V: Định hướng đầu tư phát triển công nghiệp và du lịch  dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Trà Bồng?

* Đồng chí Hồ Văn Thế: Trà Bồng xác định phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của huyện. Đối với công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến lâm sản là thế mạnh của huyện. Với nguồn nguyên liệu dồi dào sẽ tổ chức các xí nghiệp chế biến các mặt hàng tại chỗ như gia công chế biến mì, cau, quế; tổ chức sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu, hoặc tổ chức thu mua, sơ chế cho các cơ sở lớn của tỉnh.

Công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, sẽ tập trung  khai thác có kế hoạch nguồn vật liệu xây dựng tại địa phương. Trước mắt khai thác có hiệu quả đá, cát, sỏi phục vụ ngay các công trình xây dựng của huyện.

Huyện sẽ tập trung xây dựng cụm, điểm công nghiệp theo hướng,  các cơ sở sản xuất công nghiệp của huyện phải được bố trí vào các cụm cụm nghiệp tập trung để phát triển sản xuất hàng hóa và thuận tiện trong việc quản lý, bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy nhanh số lượng cũng như chất lượng hàng hoá từ công nghiệp; từng bước khôi phục nghề đan của đồng bào Cor.   

Định hướng chung cho phát triển du lịch huyện là hình thành những điểm du lịch có quy mô vừa tạo sản phẩm du lịch mới, độc đáo để thu hút khách du lịch. Khai thác du lịch trên cơ sở bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá của huyện. Coi trọng việc phối hợp hình thành những tuyến, tour du lịch trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan, về di tích lịch sử của huyện. Đổi mới hình thức du lịch tham quan khám phá bằng cách khôi phục phát triển các loại hình văn hoá vật thể và phi vật thể dân tộc Cor và các lễ hội đặc sắc.


     THANH TOÀN (thực hiện)
 


.