Tạo điều kiện thuận lợi để mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội góp ý xây dựng đảng...

09:05, 11/05/2012
.

(QNg)- Vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh quán triệt và tham gia thảo luận góp ý xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết TW 4) đã và đang được Ban Dân vận Tỉnh ủy và các huyện, thành ủy triển khai thực hiện. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, đồng chí Trần Ngọc Căng - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết một số nhiệm vụ quan trọng của công tác này.
 
*P.V: Đến thời điểm này, Ban Dân vận Tỉnh uỷ và ban dân vận các huyện, thành uỷ đã phổ biến, quán triệt Nghị quyết TƯ 4 đến các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh như thế nào, thưa đồng chí?

*Đ/c Trần Ngọc Căng: Thực hiện Kế hoạch số 27-KH/TU, ngày 30/3/2012 của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 27/4/2012, Ban Dân vận Tỉnh uỷ phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Đảng đoàn UB Mặt trận TQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết cho các đồng chí là Uỷ viên UB Mặt trận TQVN tỉnh, uỷ viên ban chấp hành các đoàn thể tỉnh, đại diện nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh. Có hơn 150 đại biểu tham dự hội nghị. Đây là hội nghị ở cấp tỉnh lần thứ 3, sau hội nghị do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức.

Theo kế hoạch của Tỉnh uỷ và hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, trong tháng 5/2012, Ban Dân vận các huyện, thành uỷ sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị phổ biến các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh uỷ đến các hội viên, đoàn viên. Đến thời điểm này đã có 4/14 ban dân vận huyện, thành uỷ phối hợp tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết TƯ 4.

*P.V: Quá trình quán triệt Nghị quyết TƯ 4, vấn đề gì nổi lên trong thảo luận?

*Đ/c Trần Ngọc Căng: Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu thảo luận đều rất tán thành, phấn khởi và nhất trí cao đối với việc ban hành Nghị quyết, Nghị quyết đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.


Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, về việc phê bình và góp ý kiến đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những người có chức, có quyền, phải có hình thức như thế nào để bảo vệ những người tham gia góp ý. Có đại biểu đề nghị cần phải xây dựng chế tài để xử lý những cán bộ vi phạm sau đợt kiểm điểm. Nhiều đại biểu băn khoăn, lo lắng về việc cán bộ lãnh đạo, quản lý rất khó để tự giác kiểm điểm, phê bình, nên trước khi kiểm điểm, cần tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý của các tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là ý kiến góp ý của quần chúng nhân dân một cách thực chất.
Từ những băn khoăn, lo lắng, các đại biểu mong muốn Nghị quyết lần này phải được thực hiện triệt để với các giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, đạt hiệu quả thiết thực nhằm xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

*P.V: Đồng chí cho biết rõ hơn việc tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận TQVN  và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung nào và vấn đề gì sẽ tập trung góp ý?

*Đ/c Trần Ngọc Căng: Về nội dung góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung vào những vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết TƯ 4, cụ thể như sau:

Về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, của từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái.


 Những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ; tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương.

Những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là của người đứng đầu.

Trong 3 nội dung trên, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Việc tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Đảng phải tập trung làm rõ những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay; đồng thời làm rõ trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị; làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.

*P.V: Phương châm và phương pháp tiến hành góp ý xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4?

*Đ/c Trần Ngọc Căng: Việc tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 được tiến hành sau khi đã tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết và trước khi kiểm điểm tập thể và uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ (đối với cấp huyện và tương đương), tập thể cấp uỷ và thành viên cấp uỷ (đối với cấp xã, phường, thị trấn).


Việc tổ chức hội nghị tham gia xây dựng Đảng phải thật sự dân chủ, cởi mở; đề cao trách nhiệm với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn, chân thành, khách quan, không nể nang, né tránh. Tập trung làm rõ những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay; đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Cơ quan chủ trì có trách nhiệm ghi chép và tổng hợp đầy đủ các ý kiến xây dựng Đảng báo cáo cấp uỷ, cấp trên trực tiếp và lưu giữ những ý kiến đóng góp để giám sát việc khắc phục, sửa chữa của tập thể và cá nhân sau khi tiếp thu ý kiến.

*P.V: Theo đồng chí, làm thế nào để việc góp ý của Mặt trận TQVN  và các tổ chức chính trị - xã hội đối với cấp uỷ các cấp và người đứng đầu thực sự đạt kết quả?

*Đ/c Trần Ngọc Căng: Theo tôi, để việc góp ý của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với cấp uỷ các cấp và người đứng đầu thật sự đạt kết quả thì ngoài việc tổ chức cho Thường trực UB Mặt trận Tổ quốc, ban thường vụ các đoàn thể trực tiếp tham gia góp ý, phải thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia góp ý trực tiếp đối với cấp uỷ và người đứng đầu, đồng thời theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Vừa qua, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quy chế về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp uỷ đảng trong tỉnh với nhân dân. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã giao cho Bí thư Thành uỷ và Bí thư các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ tổ chức tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân, sau đó sẽ sơ kết rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Tất cả các đồng chí bí thư cấp uỷ, từ Bí thư Tỉnh uỷ, huyện uỷ đến bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn đều phải trực tiếp tiếp xúc đối thoại với nhân dân. Qua đó để nhân dân phản ánh, góp ý kiến trực tiếp đối với các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể về những vấn đề mà nhân dân quan tâm, kể cả đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền.

 Đồng thời, Ban Dân vận sẽ tham mưu ban hành quy chế, quy định về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4.

Với nhiều hình thức, phương pháp lấy ý kiến đóng góp xây dựng Đảng như vậy, tôi tin tưởng sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian đến.

*P.V: Xin cảm ơn đồng chí đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này?


THANH TOÀN (thực hiện)
 


.