Đã biết “mánh” chuyển giá ở doanh nghiệp trong nước

08:03, 02/03/2012
.

Ngành thuế sẽ kiên quyết xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra có liên quan đến chuyển giá ở DN trong nước và FDI để răn đe, làm gương cho DN khác.

Trả lời báo chí tại Hội thảo chuyên đề quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá diễn ra ngày 1/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Trong năm 2012, ngành Thuế kiên quyết đấu tranh với việc chuyển giá của khu vực FDI, DN trong nước. Việc chuyển giá đã được nhận dạng từ đầu vào, tài sản cố định đến nguyên vật liệu, đầu ra, chi phí dịch vụ quản lý… Các DN dùng cách “đẻ” ra công ty con. Công ty con bán hàng cho công ty mẹ hoặc luân chuyển hàng nội bộ với nhau nhưng vẫn thu để có số thu rồi từ đó có số hoàn thu khi xuất khẩu và có quyền lợi cục bộ về số thu”.
 

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn


PV: Thưa ông, ngành thuế đã nhận diện những khó khăn đối với công tác thu thuế hiện nay như thế nào?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Chúng tôi nhận thấy một số lĩnh vực quan trọng còn dấu hiệu thất thu lớn và đó cũng là trọng tâm của công tác chống thất thu và công tác chống nợ đọng thuế năm nay của ngành thuế.

Thứ nhất là nhóm các hàng hóa cư dân biên giới được miễn theo quyết định 139 của Thủ tướng chính phủ, đặc biệt tập trung vào đối tượng mua gom ở các chợ biên giới và đưa hàng hoá vào nội địa. Đây là khâu có khả năng rủi ro rất cao về chống thất thu ngân sách do vậy nên phải có giải pháp tập trung xử lý.

Thứ hai là nhóm liên quan đến bất động sản, thu sử dụng đất, tiền thuê đất…  là khâu thu còn chậm, chưa đúng, kể cả khoản thuế liên quan đến đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bất động sản.

Thứ ba là nhóm kinh doanh qua mạng của các nhà mạng lớn trên thế giới thông qua các DN, đại lý ở Việt Nam.

Nhóm tiếp theo liên quan đến hoàn thuế và thu thuế giá trị gia tăng. Khâu hoàn thuế qua năm 2011 cho thấy nhiều dấu hiệu vi phạm. Đó là việc cố tình hạch toán 3 tháng âm liên tục để hoàn thuế.

Tiếp theo là các công ty thương mại lớn kinh doanh trên địa bàn nhiều tỉnh cũng  vi phạm nhiều về hóa đơn chứng từ, sổ sách kế toán để giấu doanh thu, trốn thuế.

PV: Như ông đề cập, DN trong nước cũng chuyển giá nhưng thực tế Nhà nước vẫn thu được thuế từ công ty mẹ, như vậy có còn gọi là chuyển giá hay không?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: DN chuyển giá là tối đa hóa lợi nhuận của mình để giảm nghĩa vụ đối với NSNN. Ví dụ như than: giá khai thuế tài nguyên chỉ bằng một nửa giá thị trường. Như vậy nhà nước mất một nửa thuế tài nguyên. Ngoài ra, các công ty còn dùng thủ đoạn chia công ty thành 2 công ty (một khai thác, một lưu thông). Hay trong lĩnh vực dịch vụ, giá cho thuê khách sạn thường bị khai thấp hơn và chuyển giá cho các công ty lữ hành…

PV: Hiện có nhiều sản phẩm, ví dụ như xe máy Airblade giá xuất xưởng là 28,5 triệu đồng/chiếc nhưng khi đại lý bán ra lên tới 34-35 triệu đồng/chiếc. Như vậy có phải là chuyển giá hay không, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Đó không phải là rủi ro ở Nhà máy Honda mà ở hệ thống đại lý phân phối sản phẩm của Honda. Hệ thống này về tư cách pháp nhân không phải là công ty con do vậy đây là khâu chống thất thu thương mại chứ không phải sản xuất.

Với các cửa hàng kinh doanh xe máy, ô tô, cách đây 3 năm, ngành thuế đã có qui định cơ quan thuế được quyền ấn định thuế nếu giá đó thấp hơn giá chước bạ một tỷ lệ phần trăm bình quân.

PV: Nhiều người cho rằng, do chính sách thuế của chúng ta chưa hợp lý nên DN biến báo để lách luật, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Đây đúng là một thực tế. Vì vậy, trong 3 nhóm giải pháp, nhóm đầu tiên chúng tôi đề cập là cơ chế chính sách, trong đó có nhóm cơ chế chính sách để nâng cao năng lực và có những chính sách để chính sách tài chính doanh nghiệp phù hợp thực tiễn để DN thực hiện đúng qui định của pháp luật, không phải biến báo.

PV: Để khắc phục tình trạng này thì thời gian tới cơ quan thuế cần có biện pháp gì, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Qua thực tế công tác năm 2011, chúng tôi kiến nghị với Quốc hội thông qua Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, trong đó có 3 nội dung: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tac quản lý thuế, chống thất thu. Ngành thuế cũng tập trung cho thanh tra, kiểm tra thuế. Tập trung thực hiện bằng được chỉ tiêu theo yêu cầu của Nhà nước, đó là phải thanh tra, kiểm tra thuế ít nhất là 15- 20% số DN đang hoạt động kinh doanh và tăng cường hướng dẫn kiểm tra để doanh nghiệp đang kinh doanh phải đạt được 98% có tờ khai thuế hàng tháng, hàng quí.

Chúng tôi cũng phối hợp với các Bộ, ngành để nâng cao hiệu quản lý doanh nghiệp và thu thuế hiệu quả.

Từ 1/7/2007, ngành thuế chuyển sang cơ chế tự khai, tự nộp. Do vậy, cán bộ thuế có 2 nhiệm vụ chính là hướng dẫn DN, hỗ trợ DN kê khai cho đúng. Nhiệm vụ thứ hai là những người khai rồi trong đó tìm ra những DN có dấu hiệu rủi ro để thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra đó.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

 

Theo VOV


.