Làm gì để xây dựng điểm bưu điện văn hóa xã đạt chuẩn nông thôn mới?

02:04, 24/04/2011
.

 
(QNg)- Xây dựng Điểm Bưu điện Văn hoá xã (ĐBĐVHX) đạt chuẩn nông thôn mới là một chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, CNTT cơ bản đến với hầu hết cư dân vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để thực hiện được kế hoạch này vẫn còn nhiều điều trăn trở. Báo Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Chiến - Giám đốc Bưu điện tỉnh xung quanh vấn đề này.


*PV: Thưa ông, đề nghị ông đánh giá vài nét về hoạt động của các điểm BĐVHX  trong tỉnh hiện nay?

vÔng Phan Văn Chiến: Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) và Nghị quyết trung ương VII (khóa X) đã khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện là đưa các điểm dịch vụ bưu điện, dịch vụ công cùng những lợi ích, lợi nhuận gián tiếp tới vùng nông thôn - nhất là các xã ở vùng đặc biệt khó khăn, nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương V, năm 1998 Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn BCVT Việt Nam) đã triển khai xây dựng Điểm Bưu điện -Văn hoá xã trên phạm vi cả nước.  Từ đó đến nay cả nước đã xây dựng và đưa vào hoạt động trên 8.300 điểm Bưu điện Văn hóa xã.
 
Riêng Quảng Ngãi đã xây dựng và triển khai hoạt động 155 điểm Bưu điện Văn hóa xã trên 166 xã (Những xã chưa có điểm BĐ- VHX vì đã có các Bưu cục cấp II, III hoặc vừa mới thành lập). Mô hình BĐVHX đã mang lại những thành công đáng kể là cầu nối đưa thông tin đến với người dân, góp phần rất lớn vào việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nâng cao dân trí ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng hoạt động của hầu hết các ĐBĐVHX hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Vậy xin ông nói rõ nguyên nhân vấn đề này là thế nào?

Ông Phan Văn Chiến: Thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực củng cố, tổ chức nhiều dịch vụ, tăng cường sách báo tại các điểm BĐVHX, để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, nhưng nhu cầu sử dụng của nhân dân tại các điểm BĐVHX ngày một giảm sút. Doanh thu dịch vụ BC-VT, dịch vụ khác là nguồn thu nhập cho người làm việc tại điểm BĐVHX, song nhiều điểm mỗi tháng thu chưa đạt 100.000đồng. Do đó họ chỉ được hưởng tiền công bảo vệ, mở cửa phục vụ theo quy định (650.000 đồng/điểm/tháng).

Hơn nữa do không có khách sử dụng dịch vụ, nên người làm việc tại đây cũng kém phần tích cực, có khi mở cửa phục vụ không thường xuyên, chưa đúng giờ niêm yết… Bưu điện tỉnh nhận thấy một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế hoạt động của điểm BĐVHX hiện nay là: Dịch vụ Viễn thông ngày càng phát triển mạnh mẽ, người dân không cần đến dịch vụ Viễn thông công cộng như trước nữa; Việc đọc sách báo để bổ sung kiến thức kinh tế xã hội, phát triển kinh tế gia đình không còn cần thiết như trước, vì đã có các kênh thông tin trên phát thanh, truyền hình, mạng Internet; nhu cầu sử dụng dịch vụ Bưu chính, chuyển phát không nhiều và bị tâm lý khách hàng ít tin tưởng vào người làm việc tại điểm BĐVHX hơn người làm việc tại các doanh nghiệp Bưu chính - chuyển phát (vì số lượng đông nên ít được đào tạo cơ bản); vấn đề phát triển thêm dịch vụ hàng hóa được phép khác thì chưa đáng kể. Mặt khác có cán bộ địa phương vẫn còn quan điểm “Bưu điện Văn hóa xã chỉ được phục vụ dịch vụ BC-VT, sách báo”, nên có lúc Bưu điện huyện nhận văn bản phải chấm dứt việc mở thêm dịch vụ khác tại Bưu điện Văn hóa xã; ngoài ra Bưu điện tỉnh quản lý sử dụng mặt bằng được cấp để phục vụ nhân dân, nhiều điểm đã có trạm BTS nhưng không được phép cho thuê. Một số điểm được xây dựng theo quy hoạch của địa phương, nhưng đến nay không còn phù hợp với dân cư…

PV: Để xây dựng Điểm Bưu điện -Văn hoá xã đạt chuẩn nông thôn mới theo chủ trương của Chính phủ, theo ông thì cần có giải pháp và kiến nghị gì?

Ông Phan Văn Chiến: Theo tôi điểm BĐVHX là một trong những kênh thông tin quan trọng để phục vụ nhân dân, nhằm đảm bảo rút ngắn khoảng cách thành thị và nông thôn, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân, nên yêu cầu sự tồn tại và tiếp tục phát triển điểm BĐVHX là cần thiết. Điểm BĐVHX sẽ tham gia phục vụ nhiều dịch vụ công ích, dịch vụ phổ cập cho nhân dân nhiều hơn theo yêu cầu của Nhà nước và chính quyền các cấp. Tôi xin đưa ra một số giải pháp và kiến nghị sau:

Về giải pháp: Thứ nhất, tập trung đào tạo nguồn lực nhằm nâng cao năng lực làm việc của nhân viên tại điểm BĐVHX có ý thức tinh thần trách nhiệm với nhân dân, được trang bị về chuyên môn, nghiệp vụ Bưu chính, Viễn thông, CNTT, kiến thức xã hội, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, có phương pháp cung cấp thông tin về dịch vụ và giá cước cho khách hàng một cách nhiệt tình, thấu đáo; Thứ hai, xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng: cần có sự tổ chức, bồi dưỡng thường xuyên, hợp lý và có tổ chức tuyển chọn phù hợp, không nên tạo ra điểm BĐVHX là nơi dừng chân chờ tìm việc của một số người; Thứ ba, tạo nhiều nguồn thu cho điểm BĐVHX: Ngoài việc tham gia cung cấp dịch vụ BC-VT để có thêm thu nhập tại điểm BĐVHX cần cho phép BĐVHX được thu các khoản như cho thuê mặt bằng xây trạm BTS, thuê treo biển quảng cáo của các cơ quan, doanh nghiệp, được phép kinh doanh dịch vụ khác (trong đó có việc tham gia phân phối hàng, quà hỗ trợ miền núi, người nghèo)…

Về kiến nghị: Tiếp tục đầu tư, sửa chữa điểm BĐVHX đủ điều kiện thể hiện nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân; cho phép Bưu điện tỉnh được hợp đồng cho thuê mặt bằng lắp đặt trạm BTS, bảo vệ tại điểm BĐVHX có trạm BTS, thiết bị Viễn thông; ứng vốn để tổ chức kinh doanh dịch vụ khác tại điểm BĐVHX. Cần đẩy mạnh tuyên truyền xem ĐBĐVHX như một công trình văn hoá của địa phương, để từ đó có trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự, an toàn các thiết bị,  nhằm phát huy hiệu quả hoạt động ĐBĐVHX góp phần phát triển kinh tế, xã hội nông thôn. Cần tham mưu cho UBND tỉnh về việc phát triển cơ sở hạ tầng Bưu chính, Viễn thông nông thôn, xây dựng cơ chế ưu đãi cho hoạt động của điểm BĐVHX ngày một tốt hơn như cho phép hợp tác phát triển nhiều dịch vụ khác phù hợp không vi phạm chính sách pháp luật, giảm một số thủ tục, thuế trong thời gian đầu, tối thiểu là một năm cho việc kinh doanh dịch vụ khác, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho người làm việc tại điểm BĐVHX…

PV: Xin cảm ơn ông!
 
Bài, ảnh: PV

.