Tướng Trà với bí danh đậm tình quê

08:09, 03/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khác với nhiều vị tướng của Quảng Ngãi bắt đầu đời binh nghiệp từ đội du kích Ba Tơ, Thượng tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất Nam Bộ, nhưng ông vẫn luôn mang theo hình bóng quê nhà. Mùa thu này, kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, tôi tìm về quê ông để hiểu thêm tấm lòng của một người con, một vị tướng đối với quê hương. 
 
Quê hương của tướng Trà ở làng Gia Hòa, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Thời đô thị hóa, nhiều ngôi nhà và những công trình mới mọc lên bên cánh đồng rau xanh rờn. Theo chỉ dẫn của người làng, tôi theo con đường bê tông tìm đến đến ngôi nhà thờ của chi phái họ Nguyễn. Trong ngôi nhà đơn sơ, bên phải của bàn thờ, có bức chân dung của vị tướng lừng danh cùng chiếc mũ bộ đội. Cạnh đó là một tấm bia đá có khắc hình và bốn câu thơ tự bạch của Thượng tướng.
 
“Danh tướng mà gần gũi quá!”
 
Ông Nguyễn Thỏa, em con nhà chú của tướng Trà, thắp nén hương thơm trên bàn thờ, rồi nói: “Anh Nguyễn Chấn (tức Thượng tướng Trần Văn Trà), hồi nhỏ đi học rồi theo cách mạng, biền biệt với vận nước. Sau ngày đất nước thống nhất có ba lần anh về thăm quê. Lần về đầu tiên vào năm 1976. Hồi đó quê nhà sau chiến tranh nghèo khó, cơ cực lắm. Về thăm ngôi nhà xưa, anh thắp hương trên bàn thờ, trên mộ tổ tiên và song thân. Anh nói với cha tôi: “Quê mình hậu quả chiến tranh đè nặng. Ngày thống nhất là vui, mình bỏ công sức ra kiến thiết”. Thấy nhà tui tạm bợ quá, anh móc ví tặng cha tui một số tiền gọi là "con góp để chú xây cái nhà cho bớt tạm bợ”. 
Thượng tướng Trần Văn Trà (thứ 2, từ trái sang) chụp hình lưu niệm với gia đình ông Nguyễn Thỏa trong lần về thăm quê năm 1976.
Thượng tướng Trần Văn Trà (thứ 2, từ trái sang) chụp hình lưu niệm với gia đình ông Nguyễn Thỏa trong lần về thăm quê năm 1976.
 
Những lần trở về sau đó, tướng Trà chuyện trò cùng người thân và bà con chòm xóm, rồi lên trên xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh tìm bà con họ tộc. Ông nói: “Chiến tranh, bà con, họ tộc phiêu tán, mình tìm lại người thân, nguồn cội là việc nên làm”. Có lần UBND xã mời tướng Trà ra xã, để bà con thăm và nói chuyện dưới gốc cây thị cổ thụ phía trước trụ sở xã.
 
Ông chỉ nói đôi câu về chiến tranh, về cuộc đời mình, rồi dành thời gian hỏi thăm bà con làm ăn có khấm khá hơn xưa, đồng quê mình mùa mưa lũ nước sông Trà có còn dâng lên ngập sâu trong xóm làng? Rồi ông hỏi về dòng sông Trà tiết xuân sang có còn nhiều cá bống, cá thài bai, con hến, con don. Ông quan tâm nhiều đến thế hệ trẻ. Lần nào về cũng hỏi thăm con cháu quê mình học hành có tấn tới? Rồi ông bộc bạch: “Quê mình còn nghèo khó, nhưng bà con phải ráng cho các cháu học hành”.
 
Bà con nghe ông về thăm quê kéo đến thăm. Nghe ông chuyện trò rồi cười, nụ cười hiền khô, nên nhiều người buộc miệng : “Ông là danh tướng mà  gần gũi quá, thân thuộc quá”.
 
Có lần ông Thỏa hỏi chuyện về bí danh, tướng Trà cười nói: “Chú biết không, "Trần" là trần thân, là không có của nả gì, chỉ có tấm lòng đi theo cách mạng. Còn “Trà” là con sông Trà Khúc, con sông quê hương đong đầy ký ức. Tui chọn bí danh như thế cũng là một cách trông vọng về quê hương.”
 
Giấc mơ "thiên mã”
 
Khác với những tướng lĩnh cùng thời ở Quảng Ngãi như Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn hoạt động cách mạng ở Quảng Ngãi rồi bị bắt tù đày ở các nhà lao trong tỉnh và nhà lao Ban Mê Thuột, còn tướng Trà ra Huế học Trường Kỹ nghệ thực hành Huế vào năm 1936. Ba năm sau ông trực tiếp vào Sài Gòn làm công nhân hỏa xa, hoạt động cách mạng bí mật rồi tham gia Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn.
 
Khi Pháp quay lại đánh chiếm Nam Bộ, cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, tướng Trà tham gia đánh địch ở vùng Sài Gòn. Đến năm 1951, Nam Bộ chia làm hai phân liên khu chống Pháp, tướng Trà giữ cương vị Tư lệnh phân liên khu miền Đông Nam Bộ. Năm 1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, ông được phân công nhiệm vụ chuyển quân ra Bắc. Ông được phong hàm trung tướng vào tháng 8.1959, khá sớm so với những vị tướng cùng thời. 
Các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Thượng tướng Trần Văn Trà trong nhà truyền thống của trường.
Các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Thượng tướng Trần Văn Trà trong nhà truyền thống của trường.
Năm 1963, theo yêu cầu của chiến trường, ông trở về miền Nam giữ cương vị Ủy viên Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân ủy, Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam. Năm 1973, ông giữ chức Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia phái đoàn bốn bên thực thi hiệp định Paris. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Trà đã góp công xứng đáng trong việc mở “nút thắt” ở cửa ngõ Xuân Lộc để tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam và giữ chức Chủ tịch Ủy ban quân quản TP.Sài Gòn sau ngày đất nước thống nhất. Tiếp sau đó giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
 
Chuyện kể về bí danh, được lặp lại trong câu thơ tự bạch của tướng Trà: “Ra đi hai bàn tay trắng/ Trở về một dải giang san/ "Trăng xưa hạc cũ", dòng sông lặng/ Mây nước yên bình, thiên mã thăng”. Quê hương của tướng Trà có núi Thiên Mã nằm bên dòng sông Trà. Đó là khung cảnh đẹp nhất ở vùng hạ lưu ven dòng sông Trà Khúc. Còn cuộc đời của tướng Trần Văn Trà là cuộc đời dấn thân. Từ lòng yêu quê hương, đất nước, ông đến với cách mạng, đi qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trở thành danh tướng. Một khi đất nước thống nhất, ông tự ví mình như “thiên mã” bay lên trong non nước yên bình. 
 
Quê hương với tướng Trà   
 
Như bao người con dấu yêu ra đi từ bờ tre, gốc rạ, rồi trưởng thành, rồi thành danh, quê nhà xứ Quảng luôn tự hào và mong ngày trở lại. Rồi sau những cuộc chiến tranh, tóc điểm bạc, tướng Trà bồi hồi trở lại quê xưa, gặp người thân, nhớ lại thuở thiếu thời.
 
Quê hương 75 năm sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thay đổi nhiều. Dưới chân núi Thiên Mã, giờ có cây cầu Cổ Lũy đang thi công bằng hình thức cầu treo dây văng bắc qua sông Trà nằm trên tuyến đường ven biển Quảng Ngãi. Đôi bờ sông Trà có con đường nhựa chạy dài song song và sông Trà nằm giữa lòng thành phố. Một màu xanh của bắp, rau đậu bạt ngàn chạy dài từ triền sông cho đến các khu dân cư.
 
Để tưởng nhớ công lao của ông nên con đường từ ngã ba Quán Cơm xuôi về phía đông mang tên thượng tướng Trần Văn Trà. Còn nơi quê hương ông, vào tháng 1.2006, Trường THCS Tịnh Long được mang tên là Trường THCS Trần Văn Trà. Đến tháng 6.2019, Trường Tiểu học và THCS sáp nhập lại thành Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà. Phía trước sân trường khối THCS có pho tượng bán thân của thượng tướng. Còn trên tầng 2 của khu phòng hiệu bộ có phòng truyền thống của trường. Tại nơi này, có một tủ sách tập hợp những bài viết của những nhà văn viết về ông và những tác phẩm của ông viết. Trên tường còn treo bức ảnh và tiểu sử của ông. Thầy Đỗ Tuấn Hạ - Hiệu phó nhà trường cho hay: “Cứ đến ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hay ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trường lại kể chuyện truyền thống của quê hương, trong đó luôn đề cập đến tướng Trà”. 
 
Không chỉ khi ông còn sống, mà bây giờ gia đình tướng Trà vẫn luôn gắn bó với quê hương. Năm học 2007 - 2008, anh Nguyễn Việt Chi con trai của Thượng tướng gửi tặng trường 20 bộ máy vi tính và 2 máy lạnh. Hằng năm, gia đình Thượng tướng gửi 30 triệu đồng về tặng những học sinh giỏi, những giáo viên dạy giỏi trong trường.     
 
Bài, ảnh: Cẩm Thư
 
 
 
 

.