Chợ Đồng Ké, một thời hưng thịnh

04:10, 19/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chợ Đồng Ké thuộc xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) từ lâu là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa khá sầm uất ở khu tây huyện Sơn Tịnh. Chợ có vị trí rất thuận lợi trong mối giao thương, do nằm sát sông Trà và tuyến đường từ Sơn Tịnh lên huyện miền núi Sơn Hà.

TIN LIÊN QUAN

1. Sông Trà ngày trước là tuyến đường thủy quan trọng, hàng hóa từ miền xuôi được chuyên chở đến đây và lâm sản cũng theo thuyền xuôi từ vùng cao về để hội tụ mua bán. Song song với đường thủy là đường bộ, hàng hóa do sức người gồng gánh, mang vác đến chợ. Trong quá trình phát triển, dần dần người đến chợ, vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, rồi đến các phương tiện cơ giới hiện đại như hôm nay.

Nhờ vị trí thuận lợi, nên chợ Đồng Ké sớm giữ vai trò của một chợ đầu mối. Cả một khu vực rộng lớn, nhiều xã ngày trước không có chợ đều dồn về đây kẻ bán, người mua tấp nập, nên chợ rất hưng thịnh. Ngoài số người đến chợ trực tiếp mua bán theo nhu cầu của mình, còn có các thương lái đứng ra thu mua hàng hóa của người dân đem đến, rồi bán sỉ lại cho người mua đi nơi xa. Cứ thế, nguồn hàng tiếp tục được bán phân nhỏ lại đến người tiêu dùng.

 Chợ Đồng Ké, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh).
Chợ Đồng Ké, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh).

Ngày trước, hàng hóa ở chợ Đồng Ké là nông sản như thóc, gạo, đậu, bắp, đường; hải sản như mắm, muối, cá tươi, cá khô...; vật nuôi như heo, gà, vịt... Hàng hóa vùng cao đem đến là các vật dụng chế tạo nông cụ như trạnh cày, mỏ cày, gỗ gia dụng, hồ tiêu, chè tươi, trầu cau, nấm mèo...; dược liệu như mật ong, quế... và một số đặc sản khác.

Chợ Đồng Ké cũng là nơi cung cấp nhiều mặt hàng vải vóc, đồ dùng gia đình, dụng cụ lao động... Trải qua nhiều năm từ thời phong kiến, thời chống Pháp, đến chống Mỹ, chợ Đồng Ké luôn là nơi buôn bán tấp nập trên bộ, dưới thuyền. Ban đầu là chỗ nhóm chợ, mua bán xong thì về.

Dần dần người ta hình thành khu dân cư quanh chợ và họ trở thành những hộ tiểu thương làm ăn phát đạt. Bởi thế mà sự quần tụ nơi này mỗi ngày một mạnh, là khu vực đông người, có sức ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và các làng xã lân cận.

2. Theo dòng phát triển, một số xã trong khu vực lân cận trước đây không có chợ, nay hầu như đều có. Nhiều nơi nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại của xã. Ngay cả xã Tịnh Giang có 5 thôn, thì cũng có năm chợ tự phát, mua bán trong khu dân cư, chủ yếu là hàng thực phẩm.

Bởi thế, chợ Đồng Ké không còn đông đúc như xưa. Tuy vậy, chợ Đồng Ké hiện vẫn "nhóm họp" hằng ngày, chia làm hai phiên. Phiên một khoảng từ hai giờ sáng đến năm giờ khá đông đúc dành cho người mua hàng sỉ đi bán chợ nhỏ nơi xa, đến nhiều chợ vùng cao. Các mặt hàng chủ yếu là rau quả, thịt cá...

Phiên hai từ sáu giờ sáng đến trước trưa là mua bán trong xã Tịnh Giang và vùng lân cận với các mặt hàng tạp hóa, quần áo, đồ gia dụng... Nói chung, tuy các xã gần với Tịnh Giang đều có chợ, nhưng chợ Đồng Ké vẫn có sức hút, bởi nó vừa mang tính chất chợ địa phương, vừa mang tính chất chợ đầu mối khu vực.

Hiện tại đường vào chợ chỉ có hai tuyến bê tông ngắn, hẹp ở hai mặt tây và bắc nối liền nhau thông với Tỉnh lộ 623 từ Quốc lộ 1 lên thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Con đường mặt nam thông với bến đò sang Nghĩa Lâm không còn nữa, mặt đông của chợ là khu dân cư. Dọc hai tuyến đường ngắn vào chợ là hàng hiệu buôn bán, hàng hóa khá phong phú.  

Từng là một chợ địa phương hưng thịnh của tỉnh, nhưng hiện nay ngôi chợ này đã xuống cấp. Không gian chợ chật chội, các ki-ốt quá hẹp không đủ chỗ trưng bày hàng hóa, nên việc bán buôn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều tiểu thương nơi đây mong mỏi chợ sẽ được đầu tư, nhằm không để mai một vai trò của chợ địa phương vốn từng có tiếng một thời.


Bùi Văn Tạo

 

.