Những con đường dưới... lòng đất

03:09, 07/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dưới những ngôi nhà, nương rẫy, nằm sâu trong lòng đất ở khu đông Bình Sơn từng là địa đạo, hầm ẩn nấp của cơ sở cách mạng. Nhắc về khu đông Bình Sơn, nhiều người nghĩ về “vùng đất lửa” trong chiến tranh và những “con đường” dưới lòng đất ấy không chỉ là nơi cán bộ, bộ đội, người dân ẩn nấp khỏi bom mìn, giặc đi càn, mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Dấu ấn lịch sử một thời

“Nơi này trước đây là thôn An Thới, bây giờ là khu dân cư Hải An, thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn). Đây là bia ghi nhớ công ơn các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc. Bia do một người con của quê hương đi làm ăn xa đóng góp xây dựng, khánh thành vào dịp 27.7.2019 vừa qua. Còn kia là cây đa cổ thụ, tỏa bóng mát quanh năm, người dân địa phương hay gọi là cây sộp. Ngay dưới gốc cây sộp là một cửa của địa đạo An Thới, nay tuy không còn, nhưng nhiều người dân vẫn biết về địa đạo”, anh Võ Văn Chanh, ở xã Bình Hải (Bình Sơn) cho biết.
Dưới gốc cây đa trước đây từng là địa đạo An Thới, nay thuộc khu dân cư Hải An, thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn).
Dưới gốc cây đa trước đây từng là địa đạo An Thới, nay thuộc khu dân cư Hải An, thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn).
Đến nay, những người trực tiếp đào địa đạo An Thới đã không còn. Ông Nguyễn Văn Thiện (1956), ở thôn Vạn Tường cho biết: “Ngày ấy tôi còn nhỏ, chỉ chứng kiến và sau này trải qua vị trí công tác có nhiều cơ hội để tìm hiểu thông tin lịch sử. Ban đầu địa đạo chỉ vài trăm mét, sau đó được đào dài hơn, có nhiều ngóc ngách, cửa ngõ thông với nhà dân, tính tổng cộng có 4 cửa. Là con đường bí mật dưới lòng đất, địa đạo An Thới phục vụ cho hoạt động cách mạng và ẩn trú của người dân khi có địch càn quét. Đó còn là nơi nhân dân địa phương đã che giấu cán bộ, bộ đội và nuôi dưỡng, cứu chữa thương bệnh binh”.

Đến tháng 8.1965, nơi “đất lửa” này đã diễn ra trận đánh Mỹ quy mô lớn đầu tiên của quân và dân miền Nam. Đó là chiến thắng Vạn Tường lịch sử, là dấu son trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Cần được tôn tạo

Ngoài địa đạo An Thới, khu đông Bình Sơn còn có địa đạo Hải Nam, hầm Thanh Thủy (Bình Hải), địa đạo An Lộc (Bình Trị), địa đạo Tuyết Diêm (Bình Thuận)... Cùng với các địa phương trong tỉnh, khu đông Bình Sơn đã “chia lửa”, đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến. Theo đánh giá của những nhà nghiên cứu, hệ thống địa đạo trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là một loại hình di tích lịch sử tiêu biểu, phản ánh sức mạnh tinh thần và ý chí, đồng lòng, sáng tạo của dân và quân ta.

Do chiến tranh tàn phá và theo thời gian, người dân canh tác, sản xuất, làm ảnh hưởng, sạt lở các địa đạo, miệng hầm. Nhiều địa đạo đã lùi vào lãng quên, ngủ yên trong lòng đất... “Từng là cái nôi của cách mạng, nơi diễn ra những trận đánh oanh liệt trong chiến tranh, chúng tôi rất mong được quy hoạch để bảo vệ di tích địa đạo, xây dựng bia, ghi lại thông tin lịch sử, sự kiện, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ biết về lịch sử quê hương của mình”, ông Thiện trải lòng.

Không chỉ vậy, việc phát huy những giá trị lịch sử kết hợp với những cảnh đẹp có sẵn, những ruộng hành, tỏi ven biển được ví như Lý Sơn giữa đất liền, trải nghiệm chèo thúng cùng ngư dân khu đông Bình Sơn, sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm du lịch địa phương.

Bài, ảnh: Bảo Hòa

 

.