Về với làng gốm Phổ Khánh

10:04, 23/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua các đợt khảo sát, các chuyên gia nhận định làng gốm Phổ Khánh (Đức Phổ) là một trong những phần quan trọng của văn hóa Sa Huỳnh.

TIN LIÊN QUAN

Theo các chuyên gia, để được UNESCO công nhận Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh là công viên địa chất toàn cầu, thì ngoài yếu tố giữ nguyên vẹn giá trị địa chất, địa mạo còn phải gìn giữ giá trị văn hóa đặc trưng trong vùng.

Gìn giữ nét văn hóa

Làng nghề làm gốm ở Phổ Khánh nổi tiếng một thời dẫu ngày nay không còn hưng thịnh, nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng là do giữ được kỹ thuật làm nghề. Để có được sản phẩm như nồi, niêu, trách, trả, ấm... vừa thanh và chín đều, vừa đẹp lại vừa bền, người thợ phải thận trọng trong từng công đoạn.

Trước hết, phải chọn đất sét vàng, đất sét xanh đem về phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô rồi đem nung. “Mỗi công đoạn đều phải đúng kỹ thuật, nguyên liệu đất sét phải biết pha trộn 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đều, công phu tỉ mẩn mới tạo ra sản phẩm đẹp và bền”, bà Lê Thị Chương, người làm gốm lâu năm ở làng Vĩnh An, cho biết.

 Sản phẩm gốm ở Phổ Khánh được nhiều khách hàng ưa chuộng vì độ bền cao và tinh xảo.
Sản phẩm gốm ở Phổ Khánh được nhiều khách hàng ưa chuộng vì độ bền cao và tinh xảo.


Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Phạm Kim Oanh cho biết: Gia đình tôi trải qua ba đời làm gốm. Mỗi công đoạn làm gốm đã trở thành nét văn hóa của làng nghề. Ngày trước, mẹ ông vẫn thường nhắc, nghề gốm không ai kiểm soát, nhưng lương tâm, chữ tín với nghề không cho phép mình làm dối. Điều này đã hình thành trong suy nghĩ của những người thợ làm gốm ở Phổ Khánh và đó cũng là nét văn hóa được gìn giữ qua bao thế hệ.

Thời hưng thịnh làng gốm Phổ Khánh có hơn 300 hộ dân làm nghề, hiện nay chỉ có 10 hộ. Làng nghề đã được tỉnh công nhận là làng gốm truyền thống, nhưng chưa có thương hiệu. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm để làng gốm Phổ Khánh có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường; đồng thời có chính sách hỗ trợ để khi tuyến du lịch công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh hình thành, làng gốm có cơ hội hồi sinh trở lại.

Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh PHẠM KIM OANH

Hình thành tuyến du lịch làng gốm

Theo các chuyên gia, làng gốm Phổ Khánh đã hình thành cách đây hơn 300 năm. Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương Đoàn Sung nhận định: Làng gốm Phổ Khánh là một trong những giá trị văn hóa quan trọng nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh. Dựa trên các dấu tích còn sót lại tại đầm An Khê thì từ thời tiền sử, con người đã biết tận dụng nguồn nước ngọt tại đầm An Khê để sản xuất, dựa vào một nhánh chĩa của dãy núi Trường Sơn vươn ra biển để săn bắt, hái lượm. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện nhiều mộ chum, mộ vò xung quanh đầm An Khê, đây là cơ sở khẳng định làng gốm Phổ Khánh có từ lâu đời.

Hiện nay, nhiều hộ dân ở Phổ Khánh vẫn giữ nghề, sản xuất theo truyền thống tự bao đời mà cha ông họ đã truyền lại. Đa số sử dụng sức lao động để lấy đất, nhào nặn, nung bằng củi để tạo ra sản phẩm hoàn hảo. Để bảo tồn nét văn hóa độc đáo ở làng gốm Phổ Khánh nhằm bổ sung vào hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, các chuyên gia đã tham vấn cần phải mở các tuyến du lịch kết nối với không gian văn hóa Sa Huỳnh. Hiện nay, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương đang tiến hành xây dựng mạng lưới hợp tác xã để kết nối làng gốm Phổ Khánh với các không gian văn hóa Sa Huỳnh, để phát triển du lịch cộng đồng.

 Bài, ảnh: MAI HẠ


CÁC TIN KHÁC
.