Giếng Vua, giếng làng

10:04, 23/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rải rác dọc các tỉnh ven biển miền Trung có rất nhiều giếng nước được người dân đặt cho một tên gọi chung là “giếng Vua”.

TIN LIÊN QUAN

Thời phong kiến, cái gì thiêng liêng nhất, huyền nhiệm nhất, không ai có thể làm được, thay thế được thì được gán cho vua. Ví dụ như một số giếng nước dọc các tỉnh miền Trung, người dân không lý giải được vì sao nó không bị nhiễm mặn, dù nằm sát mép biển, thì họ cho đó là giếng do vua sai người đào nên nó mới ngọt bốn mùa như thế.

Thường thì những cái giếng ấy mang hai tên, một là tên vùng đất đó và một tên chung là giếng vua. Như ở đảo Lý Sơn, giếng nước nằm cạnh khách sạn Mường Thanh hiện nay, vừa có tên Xó La, lại vừa mang tên giếng Gia Long. Còn ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn), người dân làng biển này gọi là giếng Vương, tức là giếng do vua sai đào.

Huyền nhiệm giếng cổ

Chủ nhân của dải đất miền Trung từ một thiên niên kỷ trước đã để lại những điều kỳ diệu mà cho đến hôm nay, chúng ta chưa thể giải mã hết được những bí ẩn của họ. Làm thế nào để kết nối các viên gạch trong tháp Chăm, mà không thấy dấu vết nào của vôi vữa? Làm sao để biết được ngay sát mép nước biển lại có thể tìm được nguồn nước ngọt mà không bị nhiễm mặn? Những câu hỏi đó luôn là một ẩn số mà người đời sau phải cất công kiếm tìm.

 Người dân Lý Sơn lấy nước ngọt tại giếng Gia Long mùa khô hạn.  Ảnh: Trần Đăng
Người dân Lý Sơn lấy nước ngọt tại giếng Gia Long mùa khô hạn. Ảnh: Trần Đăng


Cũng như các tháp Chăm, các giếng cổ được cho là “giếng Vua” ấy đã khoác lên người nó những điều huyền bí và kỳ vĩ. Lý Sơn là một hòn đảo trọc, nghĩa là lượng nước ngầm được tích tụ trong lòng đất là rất ít, thế nhưng người Chăm cổ vẫn nhìn ra long mạch ngay sát mép biển để đào giếng. Giếng Xó La- tên gọi mang đậm dấu ấn của người Chăm, chỉ cách mép nước biển có vài sải tay, ấy vậy mà chưa bao giờ giếng nước này bị nhiễm mặn, đã thế lại còn là nơi cung cấp nước ngọt cho cả đảo lớn lẫn đảo bé trong những năm đỉnh hạn ở Lý Sơn.

Tương tự ở làng Hải Thuận, thôn Thanh Thủy, cách đảo Lý Sơn một tầm nhìn từ đất liền, một “giếng Vương” khác cũng chẳng bao giờ cạn nước. Cách đây mấy năm, khi làng có điện, nhiều hộ dân đã tự đóng giếng ngay trong vườn nhà mình nên “giếng Vương” bị bỏ quên rồi cạn nước từ đó. Nhưng dấu vết của một giếng nước cổ xưa thì vẫn lưu trên từng thớ đá ong ngay trên mỗi bậc thềm.

Giếng nào cũng là “thanh thủy”

Người Chăm cổ rất giỏi phong thủy. Các giếng nước mà họ để lại dọc theo dải đất miền Trung là một minh chứng. Quan sát vị thế của giếng Xó La ở Lý Sơn thì thấy rằng, có cảm giác như tất cả các mạch nước ngầm của đảo đều gom về mỏm đất nhô ra biển này. Vì thế, không những nước ngọt chẳng bao giờ cạn, dù ngay giữa mùa hè mà nguồn nước mặn ngay cạnh nó cũng không thể thâm nhập được vào giếng.

Cách xây giếng của người Chăm cổ cũng khá kỳ công. Họ lựa những viên đá cuội đen bóng, đều tăm tắp, xếp chồng lên nhau, dĩ nhiên là chẳng có vôi vữa gì để gắn kết chúng lại. Ngoài chức năng giữ cho thành giếng không bị sụp gây lấp giếng, lớp đá cuội này cũng làm nhiệm vụ “lọc nước” cực tốt. Giếng Vương ở Thanh Thủy thì được xây bằng những tảng đá ong vuông vức, đẹp đến ngỡ ngàng.

Nhìn thành giếng được xây bằng đá ong đều tăm tắp, ta bỗng hiểu vì sao, giếng nước này đã thành phao cứu sinh của làng trong mỗi mùa khô hạn, khi mà các giếng nước khác đều nhiễm mặn. Làng Thanh Thủy có lẽ là dựa vào đặc điểm của giếng nước luôn trong xanh này chăng?

Chủ nhân của các “giếng Vua” đã đi xa cả ngàn năm rồi, nhưng họ luôn hiện hữu trong từng thùng nước ngọt cho hậu thế mỗi mùa khô hạn dọc dải đất miền Trung này.
 

TRẦN ĐĂNG
 


CÁC TIN KHÁC
.