Di tích khảo cổ học Suối Chình ở huyện đảo Lý Sơn

06:04, 01/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Di tích khảo cổ học Suối Chình ở huyện đảo Lý Sơn thuộc địa phận thôn Đông, xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn), cách khu vực Trung tâm hành chính huyện chừng 3 km về phía Đông Bắc.

TIN LIÊN QUAN


Suối Chình là một dòng suối cổ bắt nguồn từ phía Tây Bắc núi Thới Lới. Đây là ngọn núi lửa đã tắt cách đây hàng vạn năm nhưng dấu tích nham thạch còn vung vãi khắp trên đảo, đặc biệt là hồ nước khá rộng trên đỉnh núi, dấu tích của miệng núi lửa. Diện tích núi rất lớn, chiếm khoảng một phần tư diện tích của đảo. Suối Chình là dòng suối nước ngọt chảy từ đỉnh núi Thới Lới và tràn ra biển. Trước kia, khi chưa có đập ngăn của hồ chứa nước Thới Lới, suối Chình có nước chảy quanh năm, trong suối có loài cá chình sinh sống nên mới có tên gọi như vậy.

Di tích khảo cổ học suối Chình được Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện và đào thám sát năm 1999, sau đó được Viện khảo cổ học và Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi tiến hành khai quật lần I vào tháng năm 2000; lần II năm 2005.

TS Phạm Thị Ninh (x) tại hiện trường khai quật di tích Suối Chỉnh
TS Phạm Thị Ninh (x) tại hiện trường khai quật di tích Suối Chỉnh


Báo cáo kết quả cuộc khai quật khảo cổ học năm 2000 tại Suối Chình của Tiến sĩ Phạm Thị Ninh- người chủ trì cuộc khai quật, cho biết: Tầng văn hóa của di chỉ Suối Chình là một thể thống nhất có cấu tạo là lớp đất đỏ bazan xen lẫn cát phù sa biển và vỏ nhuyễn thể, có thể phân thành 2 lớp văn hóa: Lớp văn hóa I bao gồm lớp đất đỏ bazan pha cát xen lẫn nhiều vỏ nhuyễn thể, có màu nâu đỏ ngả xám, bên trong chứa mảnh gốm Hán, gốm Chăm Pa, gốm thô Sa Huỳnh; bên cạnh mảnh sành, sứ, mảnh sắt, nhưng chủ yếu là những mảnh vụn rất khó phân loại. Tiếp giáp với lớp văn hóa I là 3 lớp đất có màu sắc hơi khác nhau khớp thành lớp văn hóa II, bởi vì hiện vật tìm được đều giống nhau trong các lớp đất này. Đó là những hiện vật  đá, xương – vỏ nhuyễn thể, đồng, sắt và đồ gốm Sa Huỳnh chiếm số lượng lớn hơn lớp trên. Trong lớp văn hóa II đã phát hiện được 6 cụm mộ nồi. Sinh thổ là lớp cát trắng.
 

Quá trình khai quật và nghiên cứu sơ bộ những dữ liệu khảo cổ học thu được, Nhóm khai quật đã đưa ra một số nhận xét, như sau:

Di tích Suối Chình là một di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng. Trong di tích này đã tồn tại hai lớp cư dân thuộc hai giai đoạn văn hóa sớm và muộn. Giai đoạn văn hóa sớm mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh muộn. Giai đoạn văn hóa muộn đã có xu hướng vượt ra khỏi phạm trù của văn hóa Sa Huỳnh với xu hướng nổi trội của đồ gốm phong cách Hán và sự phát triển của đồ gốm Chăm sớm.

Tầng văn hóa của di chỉ Suối Chình là một thể thống nhất. Mặc dầu có 2  lớp văn hóa I và II nhưng đó chỉ là thể hiện tính chất văn hóa giai đoạn sớm và giai đoạn muộn của di chỉ. Sự tồn tại và phát triển liên tục của đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh trong địa tầng đã chứng minh điều đó.
Tại di chỉ Suối Chình, một mặt cư dân cổ vẫn bảo lưu truyền thống kỹ thuật chế tác đồ đá và sử dụng chúng trong sinh hoạt hằng ngày. Mặt khác đã có sự giao lưu trao đổi văn hóa với các khu vực xung quanh, đặc biệt là với khu vực Hoa Nam (Trung Quốc).

Về mặt niên đại, dựa trên diễn biến của địa tầng và sự phát triển của đồ gốm Sa Huỳnh, cùng với sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của những yếu tố đồ gốm mới như loại hình bình hình trứng Trà Kiệu, đồ gốm phong cách Hán, cho phép đoán định rằng hai lớp cư dân sớm và muộn tụ cư tại di chỉ Suối Chình có khả năng tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ II sau Công Nguyên.

Giống như ở di chỉ Xóm Ốc, tại di chỉ Suối Chình cũng tìm thấy công cụ ghè đẽo bằng vỏ ốc Tai Tượng, mũi nhọn bằng xương thú, xương cá và những hạt chuỗi bằng đốt sống cá, những mảnh vòng được làm bằng vỏ ốc Tai Tượng, ốc Cối, ốc Xéo. Đồ đồng có 1 lục lạc hình tròn hơi bầu bị vỡ ½, trên bề mặt có những chấm tròn nổi, một số mảnh đồng vụn hoặc bị vỡ từ hiện vật chưa rõ loại hình. Đồ sắt chỉ có một dao và một vài mũi nhọn. Đồ thủy tinh có một số hạt cườm nhỏ và 01 mảnh vòng tay màu xanh tím than mặt cắt hình tam giác.

Đồ gốm có hơn chục chiếc nồi, bát có khả năng phục nguyên và 12 chiếc nồi được dùng làm áo quan. Sau khi xử lý 6 cụm mộ nồi, nhóm khai quật đã phát hiện thấy trong 6 cụm mộ đều  có chôn cải tang di cốt trẻ em, có mộ cạnh di cốt còn chôn theo một số đồ tùy táng như: Nồi gốm nhỏ, hạt chuỗi bằng vỏ ốc, hạt cườm bằng đá màu gan gà hoặc bằng thủy tinh. Một vài di cốt trẻ em được chôn theo dáng nằm nghiêng chân co.

Bên cạnh những đồ gốm nguyên và mộ táng, còn có hàng chục nghìn mảnh gốm vỡ từ những đồ đựng như: nồi, chậu, đĩa, bát mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh ở giai đoạn muộn. Trong tầng văn hóa, cùng với đồ gốm Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ còn tìm thấy 2 bình hình trứng Trà Kiệu với nhiều mảnh vỡ khác, gốm phong cách Hán, hoa văn in ô vuông và gốm Hán phong cách Tam Thọ (Thanh Hóa). Sự xuất hiện của đồ gốm Trà Kiệu hay Tam Thọ trong địa tầng di chỉ Suối Chình là dấu hiệu của sự giao lưu trao đổi của cư dân di chỉ Suối Chình với bên ngoài.
 

 Nồi đất, tìm thấy trong di tích Suối Chình
Nồi đất, tìm thấy trong di tích Suối Chình

Kết quả khai quật di tích Suối Chình thêm một nữa cho thấy sự tồn tại của loại hình đảo gần bờ của Văn hóa Sa Huỳnh trên dãi đất miền Trung Việt Nam. Cùng với các di tích văn hoá Sa Huỳnh  trên các đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), các đảo vịnh Nha Trang (Khánh Hoà), di tích Xóm Ốc (cùng trên đảo Lý Sơn), di tích Suối Chình đã cung cấp thêm bằng chứng cũng cố ý kiến cho rằng người Sa Huỳnh từ đất liền đã vượt biển chiếm lĩnh các đảo gần bờ.

Việc tìm thấy đi chỉ cư trú và mộ táng của cư dân Sa Huỳnh giai đoạn muộn và Chăm Pa sớm ở Suối Chình đã đem lại tư liệu và nhận thức mới về loại hình văn hóa Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh vùng đảo gần bờ. Trong nhiều di tích đã tìm thấy những mảnh gốm vừa mang đặc điểm của gốm Sa Huỳnh và cả đặc điểm gốm Chămpa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để cho phép nêu lên giả thiết về khả năng một trong những nhánh của Sa Huỳnh đã phát triển và hình thành nền văn hóa Chăm tiếp sau.

Những kết quả từ cuộc khai quật Suối Chình tiếp tục khẳng định các nhà khảo cổ học Việt Nam đã kế thừa xuất sắc thành tựu của các đồng nghiệp tiền bối, đồng thời có cống hiến lớn góp phần khẳng định nguồn gốc nội sinh của văn hoá Sa Huỳnh trên lãnh thổ miền Trung Việt Nan nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.

Mặc khác, không gian và phong cảnh thiên nhiên suối Chình gắn với không gian quần thể khu vực núi Thới Lới, bao gồm: Miệng núi lửa cổ Thới Lới, Chùa Hang, Hang Câu, đình làng An Hải... nằm trong một khung cảnh thiên nhiên - nhân tạo, gắn kết trời và biển, núi và hang, đền đình dinh miếu với nhà cửa xóm làng, ẩn chứa tiềm năng du lịch đáng được quan tâm đặc biệt và rất cần có kế hoạch khai thác khoa học, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Lý Sơn.
                                                                     

Lê Hồng Khánh


---------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH:


Lâm Mỹ Dung, Sa Huỳnh Lâm Ấp Chămpa, Thế kỷ 5TCN đến Thế kỷ 5SCN (Một số vấn đề khảo cổ học), NXB Thế giới, Hà Nội, 2017.

2. Phạm Thị Ninh; Báo cáo sơ bộ cuộc khai quật Suối Chình (xã Lý Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). 2000. Bản đánh máy lưu tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi

3. Phạm Thị Ninh; Báo cáo sơ bộ cuộc khai quật Suối Chình (xã Lý Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). 2005. Bản đánh máy lưu tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi

4. Phạm Thị Ninh; Báo cáo sơ bộ cuộc khai quật xóm Ốc (xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). 2000. Bản đánh máy lưu tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi

5. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi - Địa chí Quảng Ngãi, Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa, 2005.




 
  


CÁC TIN KHÁC
.