Nhớ chè bà ba

07:12, 27/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm còn ở quê, trong những ngày Tết, bà tôi thường nấu nồi chè bà ba. Tên món chè này do người quê tự đặt, được truyền từ đời này sang đời khác. Bà tôi bảo ăn chè bà ba là phải ngồi quây quần bên nhau mới thẩm thấu hết vị ngon của nó.

TIN LIÊN QUAN


Chè bà ba dân dã, mộc mạc là thế, bởi từ cái tên, đến cả nguyên liệu tạo nên sự hài hòa, tinh túy của hương vị. Hầu hết các thành phần làm nên nồi chè gắn liền với đời sống lao động của nông dân. Những gì trồng được trên đồng ruộng, mảnh vườn đều có thể góp nhặt trở thành món chè dân dã, gồm: Khoai lang, khoai mì, khoai môn, đậu xanh, đậu phộng... đều được bà tôi chuẩn bị từ nhiều tuần trước đó. Khi ăn sẽ giúp con người ta thưởng thức trọn hương vị của làng quê, ruộng đồng.

Chè bà ba - món quà quê bình dị.
Chè bà ba - món quà quê bình dị.


Áp Tết, thấy bà lôi các thứ từ trong chum, trong hũ, chị em tôi vui lắm, cứ sốt sắng cả lên. Đầu tiên, bà ngâm đậu xanh trước một đêm cho mềm rồi đãi vỏ. Lá dứa được cắt nhỏ, rửa sạch và giã nhuyễn, vắt lấy nước. Trong khi bà tôi rửa khoai lang và khoai môn gọt vỏ, xắt thành từng miếng vuông, mấy chị em tôi giúp bà ra vườn hái vài trái dừa khô, nạo sẵn để vắt lấy nước cốt và nước dão. Tiếp đến, bà hướng dẫn chúng tôi lấy khoai mì lột vỏ, rửa sạch và đem mài nhuyễn. Sau đó vắt cho khoai mì ráo nước, trộn với một ít nước lá dứa và vo thành viên. Tiếng chày nện vào cối đá, tiếng dao thớt xắt củ quả, tiếng nói cười rộn ràng cả căn bếp nhỏ khiến ai cũng vui.

Khi mọi thứ đã sơ chế qua, bà tôi bắt đầu nấu chè bà ba. Trước tiên, bà cho nước dão dừa vào nồi, bắc lên bếp đun sôi. Nước sôi, cho đậu vào nấu chín, rồi nêm đường vào nồi chè. Sau đó, cho tiếp khoai lang, khoai môn vào. Khoảng 15 phút sau cho tiếp bột năng, khoai mì. Bà tôi nói đây là công đoạn quan trọng, người nấu phải biết canh lửa cho mọi thứ vừa chín. Nếu bột năng và khoai mì quá chín sẽ làm nồi chè đặc quánh.

Vì cả nhà thích đậu phộng, nên bà tôi còn cho thêm một ít vào nấu. Khi chè chín, có thể nêm lại để vị ngọt vừa khẩu vị, cho nước cốt dừa vào khuấy đều nồi chè. Chờ nước sôi bùng là nhắc xuống, múc ra chén. Gió se se lạnh, có nồi chè nóng tỏa thơm ngào ngạt, đám trẻ chúng tôi có trốn chơi nơi nào cũng phải tìm về ngay. Vị ngọt, vị bùi của khoai lang, khoai mì, khoai môn... lẫn vị dai, giòn của bột năng, dừa nạo, béo thơm của nước cốt dừa, đậu phộng... tạo thành một hương vị khó quên, không thể lẫn vào đâu được.

Ngày Tết, chè được đặt lên bàn thờ tổ tiên cùng câu đối đỏ, cặp bánh chưng xanh... Khách đến nhà chơi, ông tôi hạ lễ mời mọi người cùng thưởng thức món ngon này. Ăn món chè này, cùng với uống chè xanh sẽ tăng thêm vị đậm đà, nhất là trong tiết trời se lạnh. Ai cũng tấm tắc khen món chè bà ba của bà tôi.

Cứ thế, năm tháng qua đi, mỗi độ Tết đến Xuân về, bà tôi lại nấu chè bà ba. Nhưng giờ đây, ông bà tôi đã về với tổ tiên. Để tưởng nhớ đến ông bà, hằng năm mẹ tôi đều làm món chè này để cúng ông bà, tổ tiên trong đêm giao thừa. Sau khi cúng xong, cả nhà quây quần để cùng nhau thưởng thức. Ký ức ngày xưa cứ thế theo nhau ùa về...


Bài, ảnh: TRUNG ÂN


 


CÁC TIN KHÁC
.